Hoạt hình Việt khởi sắc cùng công nghiệp nội dung số, đủ năng lực sản xuất phục vụ thị trường quốc tế

Ngành công nghiệp hoạt hình tại Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc khi ngày càng nhiều các doanh nghiệp sản xuất hoạt hình cho ra đời những sản phẩm phục vụ thị trường quốc tế...

Nhìn lại hơn 60 năm phát triển của hoạt hình Việt Nam, từ khi thành lập Xưởng phim hoạt hình búp bê Việt Nam (nay là Hãng phim hoạt hình Việt Nam) cho tới khi ra đời bộ phim hoạt hình đầu tiên Đáng đời thằng cáo, đến nay có khoảng 700 - 800 bộ phim hoạt hình ra đời với quy mô sản xuất 25-30 phim/năm.

Chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn rào cản…

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành hoạt hình đã có sự biến chuyển tích cực khi đem lại 10-15% doanh thu cho điện ảnh, tuy nhiên vẫn chưa xứng với tiềm năng của thị trường. Trăn trở về sự phát triển của hoạt hình Việt, Tiến sĩ  Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam nhận định: “Theo đánh giá của thế giới, nếu điện ảnh là “nghệ thuật thứ bảy” thì phim hoạt hình được công nhận là “nghệ thuật thứ tám”. Nhiều quốc gia có những sản phẩm, nhân vật hoạt hình nổi tiếng như  “Doraemon”, “Mickey mouse”, “Bánh mì đám mây”... có số lượng hàng tỷ người xem. Làm sao để Việt Nam đạt được đỉnh cao như vậy?”.

Nói về những rào cản ảnh hưởng tới sự phát triển của hoạt hình tại Việt Nam, ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA) cho rằng: “Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất hoạt hình cũng như đưa sản phẩm ra quốc tế. Ở nhiều nước, đặc biệt là Hàn Quốc, ngành công nghiệp điện ảnh của họ rất phát triển vì có sự kết nối giữa các doanh nghiệp và được chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện, tổ chức những sự kiện để kết nối các sản phẩm hoạt hình ra toàn thế giới.

Doanh nghiệp Việt cũng rất cần thị trường nhưng ở Việt Nam thì đầu ra chưa có, những ưu đãi về chính sách hầu như chưa có, việc truyền thông hay tổ chức sự kiện giới thiệu về năng lực của các doanh nghiệp cũng hạn chế. Nhìn ra ở những quốc gia khác, khi tổ chức sự kiện lớn sẽ có quan chức chính phủ trực tiếp tham gia, giới thiệu doanh nghiệp Việt với các tổ chức quốc tế. Từ đó, tạo được sự uy tín và quan hệ gần gũi hơn với bạn bè quốc tế”. Việc sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp cũng khá khó khăn, đầu tư chi phí lớn, nhưng việc phát hành tới công chúng lại lệ thuộc rất lớn vào các hệ thống rạp.

Nhiều rào cản là vậy, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, một số doanh nghiệp  ngoài quốc doanh đã chủ động đầu tư, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm và đã sản xuất nhiều phim hoạt hình đặc sắc thúc đẩy lĩnh vực nội dung hoạt hình phát triển mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo  đã thúc đẩy sự đổi mới tư duy trong sáng tạo, hướng nhìn và cách triển khai của đội ngũ trẻ vào các sản phẩm hoạt hình mới.

Dẫu rằng so với các ngành công nghiệp hoạt hình hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, chúng ta vẫn còn phải học hỏi rất nhiều, nhưng tín hiệu đáng mừng là thị trường Việt Nam đang dần xây dựng những tiêu chuẩn, mà ở đó hướng tới “sáng tạo bền vững”, sáng tạo những nội dung có giá trị và có sức ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã hướng tới sản xuất nội dung phục vụ thị trường quốc tế, học mẫu rồi cải tiến, áp dụng công nghệ 2D, 3D, Stop-motion vào công nghệ sản xuất hoạt hình và đã được thị trường quốc tế đón nhận. Điển hình là Sconnect Việt Nam đã phát triển được 18 bộ nhân vật hoạt hình, với tổng số lượng sản xuất lên tới hơn 50.000 video, phát hành bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trong đó nổi bật nhất là series hoạt hình chú sói Wolfoo, thu hút tới hơn 30 tỷ lượt xem trên YouTube, trong đó phần đông khán giả tới từ Mỹ, châu Âu, châu Á và Việt Nam.

Hay bộ phim Trạng Quỳnh Thời Nhí Nhố ứng dụng công nghệ sản xuất 3D, vẫn giữ nét văn hóa Việt như cây đa, đình làng, lũy tre... nhưng thổi làn gió mới tươi trẻ, hóm hỉnh và tinh nghịch để phù hợp với đối tượng trẻ em. Đây đều là những tín hiệu đáng mừng, dấu hiệu khởi sắc cho hoạt hình Việt Nam.

Hoạt hình Việt khởi sắc cùng công nghiệp nội dung số, đủ năng lực sản xuất phục vụ thị trường quốc tế- Ảnh 1.

Sản xuất phim chiếu rạp Wolfoo thời lượng 90 phút

Hoạt hình Việt đủ lực để tham gia sân chơi toàn cầu?

Thời kỳ “nở rộ” của hoạt hình Việt đánh dấu bằng sự ra đời của ngày càng nhiều doanh nghiệp sáng tạo và các sản phẩm chất lượng đang dần chinh phục khán giả thế giới. Nổi bật trong bức tranh lớn là series hoạt hình về chú sói nhỏ Wolfoo đã thu hút sự yêu thích và quan tâm của hàng trăm triệu trẻ em thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam.

Wolfoo được mệnh danh là chú sói “tỷ view” với phiên bản gốc tiếng Anh cùng hơn 4.000 tập phát sóng trên YouTube, bình quân 4 tỷ view/tháng, 3 nút kim cương trên YouTube, được dịch ra khoảng 20 ngôn ngữ. Wolfoo dần trở thành người bạn, cùng chơi cùng học và đồng hành với các em nhỏ mỗi ngày. Trong năm 2023, “Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí” đã kéo khán giả Việt ra rạp, đánh dấu cột mốc phim hoạt hình “make in Việt Nam” lọt top 3 doanh thu phòng vé.

Hoạt hình Việt khởi sắc cùng công nghiệp nội dung số, đủ năng lực sản xuất phục vụ thị trường quốc tế- Ảnh 2.

Phim hoạt hình Wolfoo với hơn 4.000 tập ngắn chinh phục hàng trăm triệu trẻ em trên toàn cầu

Nhưng ít ai biết Sconnect là doanh nghiệp đứng đằng sau sự thành công của Wolfoo với đội ngũ 100% người Việt Nam và đang nỗ lực từng ngày với khát vọng đưa hoạt hình nước nhà sánh ngang với hoạt hình các nước trên quốc tế, có thể trở thành “Disney Việt Nam”.

Không chỉ có hoạt hình Wolfoo, Sconnect đang phát triển 18 bộ nhân vật hoạt hình cho đủ mọi lứa tuổi khác nhau. Sconnect đã sản xuất và sở hữu kho nội dung khổng lồ với số lượng lên tới 50.000 video. Nội dung hoạt hình được phát hành trên đa nền tảng: Mạng xã hội, truyền hình, OTT/IPTV và phim chiếu rạp. Doanh nghiệp cũng đã có 10 năm bền bỉ nghiên cứu, học mẫu, cải tiến, sáng tạo ứng dụng các công nghệ mới nhất trong ngành công nghiệp sản xuất nội dung.

Chia sẻ về những ngày đầu tham gia sản xuất hoạt hình, ông Tạ Mạnh Hoàng, Nhà sáng lập - CEO của Sconnect cho biết: “Từ năm 2014, khi thị trường Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cho khâu sản xuất, do đó Sconnect quyết định nghiên cứu và sản xuất theo tiêu chuẩn của những thị trường đó có sẵn, đầu tiên là thị trường Mỹ. Ban đầu công ty chưa sản xuất ngay mà sản xuất các nội dung tổng hợp ngắn  trên YouTube”.

Sau đó, đội ngũ lãnh đạo công ty trăn trở làm thế nào để tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám của riêng mình?! Ý tưởng đó đã thôi thúc doanh nghiệp rẽ hướng sang lĩnh vực hoàn toàn mới - sản xuất hoạt hình. Việt Nam có hàng nghìn làng nghề truyền thống, có những sản phẩm làm thủ công lâu đời được khách quốc tế đón nhận. Tận dụng lợi thế của lao động người Việt là chăm chỉ, tỉ mỉ và cẩn thận, khéo tay Sconnect đã lựa chọn ứng dụng công nghệ Stop-motion để sản xuất các thước phim hoạt hình từ các bộ nhân vật đất nặn. Các bộ nhân vật Luka, Clay Mixer là những cái tên nổi bật đã ra đời trong giai đoạn này, thu hút sự quan tâm đông đảo của các khán giả nhí tại thị trường Mỹ.

“Công ty khi đó quy mô chưa tới 10 người, thiếu tiềm lực tài chính hay chuyên môn, mọi thứ đều khó khăn, vừa làm vừa học. Lại chưa có doanh nghiệp nào ở Việt Nam đi trước để chúng tôi có thể học hỏi kinh nghiệm, nên chúng tôi cứ vừa làm vừa nghiên cứu, vừa học hỏi…”, ông Tạ Mạnh Hoàng chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp.

Chỉ 2 năm sau, giai đoạn 2016-2017, đã có nhiều các bộ phim của quốc tế ứng dụng công nghệ Stop-motion tạo tiếng vang như Shaun the Sheep, Coraline hay mới đây là bộ phim Pinocchio của Guillermo del Toro giành giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất Oscar 2023.

Hoạt hình Việt khởi sắc cùng công nghiệp nội dung số, đủ năng lực sản xuất phục vụ thị trường quốc tế- Ảnh 3.

Phim hoạt hình Shaun the Sheep nổi tiếng thế giới sử dụng công nghệ Stop-motion. Nguồn: Internet

Nhận ra tiềm năng dồi dào từ phim stop-motion, Sconnect đã có một quyết định táo bạo là đầu tư nghiên cứu và sản xuất những bộ phim hoạt hình tĩnh vật từ năm 2026, mặc dù có rất ít doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Đây quả là bước đi liều lĩnh của Sconnect, bởi dù sở hữu sức hút độc đáo nhưng công nghệ này khi đó còn quá mới mẻ tại Việt Nam, để đi vào sản xuất doanh nghiệp vấp phải không ít khó khăn.

Cho đến giờ, sự thành công của Clay mixer hay Luka đã chứng minh lựa chọn của Sconnect là đúng đắn, đặt nền móng để công nghệ stop-motion được phát triển và cải tiến tại Việt Nam. Thành công của những tập phim stop motion tạo bàn đạp để Sconnect tiếp tục phát triển công nghệ sản xuất 2D, 3D với 18 bộ phim hoạt hình được phát hành khắp toàn cầu.

Hoạt hình Việt khởi sắc cùng công nghiệp nội dung số, đủ năng lực sản xuất phục vụ thị trường quốc tế- Ảnh 4.

Sản xuất phim hoạt hình bằng công nghệ Stop-motion tại studio của Sconnect.

Có thể thấy sự táo bạo, năng động khi quyết tâm chinh phục thị trường quốc tế của Sconnect đã chứng tỏ tiềm lực của các doanh nghiệp hoạt hình Việt Nam. Dẫu rằng câu chuyện thống lĩnh thị trường hoạt hình quốc tế vẫn còn là chặng đường dài phía trước và cần cần nhiều hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp trong ngành hoạt hình. Song có thể thấy, hoạt hình là sân chơi lớn còn bị bỏ ngỏ, đang chờ các nhà sản xuất nội dung Việt Nam có thể khai thác.

Phạm Lê

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/hoat-hinh-viet-khoi-sac-cung-cong-nghiep-noi-dung-so-du-nang-luc-san-xuat-phuc-vu-thi-truong-quoc-te-a28335.html