Viettel và FPT thu được những gì khi "mang chuông đi đánh xứ người"?

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã “tấn công” mạnh mẽ thị trường nước ngoài và ghi dấu ấn trên bản đồ quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Vai trò của doanh nghiệp công nghệ hiện nay không chỉ ở công cuộc chuyển đổi số quốc gia, mà còn thể hiện trong việc khai phá thị trường nước ngoài.

Năm 2022 là năm mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã “tấn công” mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, làm chuyển đổi số cho các nước phát triển. Bước sang năm 2023, các doanh nghiệp công nghệ ghi dấu ấn trên bản đồ càng mạnh mẽ hơn.

Trong các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số lớn của Việt Nam, Viettel và FPT nổi bật nhất về mức độ tham gia thị trường quốc tế cũng như số doanh thu

Hai doanh nghiệp này cũng có 2 cách tiếp cận hành trình đi ra nước ngoài riêng. Cụ thể, Viettel triển khai ở những thị trường đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, đã chọn chiến lược “nông thôn bao vây thành thị” để bắt đầu khai thác những thị trường khó ở nước ngoài.

Còn FPT lại tìm được cơ hội phát triển tại những thị trường vốn được đánh giá rất mạnh như Nhật, Mỹ.

Đà tăng trưởng 2 chữ số

Mảng dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài của “ông lớn” công nghệ Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) trong 9 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng mạnh với mức doanh thu 17.626 tỷ đồng, tăng 30%. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt mức 20.700 tỷ đồng tương đương mức tăng trưởng 23,2%.

Trong đó, thị trường Nhật Bản tăng trưởng 44% bất chấp sự mất giá của đồng Yên, đà tăng này đến từ nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số. 

Doanh thu chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài trong 9 tháng năm 2023 đạt 7.710 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ và tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics.

Doanh nghiệp này cũng mở thêm 4 văn phòng mới tại nước ngoài, mới nhất là tại Mexico, với quy mô 500 nhân sự vào năm 2025 và là trung tâm phát triển phần mềm đầu tiên tại châu Mỹ Latinh của công ty. Hay như tại Trung Quốc, FPT cũng mở văn phòng thứ 2 ở thành phố Nam Ninh, để đẩy mạnh việc phát triển và cung cấp các giải pháp cho đối tác, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ ô tô hiện đại.

Tương tự, thành viên của “anh cả” trong làng công nghệ (Viettel) là Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, UPCoM: VGI) tăng trưởng 2 chữ số với doanh thu thuần đạt hơn 20.628 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.

Tại thị trường nước ngoài, đứng đầu tăng trưởng là khối các thị trường châu Phi với mức tăng 18%; tiếp đến là Mỹ La tinh tăng 17% và Đông Nam Á tăng 13%.

Hầu hết các công ty thị trường (bao gồm cả công ty con và công ty liên kết) đều tăng trưởng cao về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ như Movitel tại Mozambique tăng 34%, Unitel tại Lào tăng 23%, Telemor tại Đông Timor tăng 21%.

Ngoài thị trường viễn thông, Viettel Global cũng chuyển dịch mạnh mẽ sang các dịch vụ số. Trong quý III/2023, công ty ví điện tử ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất cao như M_mola tại Mozambique tăng 593%, Telemor Fintech tại Đông Timor tăng 96%, Star Fintech tại Lào tăng 93%, eMoney tại Campuchia tăng 41%, Halopesa tại Tanzania tăng 31%.

Vì sao doanh nghiệp số Việt có thể đi ra nước ngoài?

Tại buổi gặp gỡ với giới công nghệ thông tin Việt Nam hồi giữa tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chi cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số không lớn nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại rất nhiều.

Tuy nhiên, chính vì sự cạnh tranh này mà Việt Nam có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ, khai thác thành công các thị trường mà các công ty công nghệ số lớn đang bỏ ngỏ, đây là năng lực cạnh tranh chính của doanh nghiệp Việt để có thể đi ra nước ngoài.

Theo người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông, 10 đến 20 năm tới sẽ diễn ra những chuyển dịch quan trọng, từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; công nghệ thông tin sang công nghệ số; ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ công nghệ cao xử lý số ít bài toán lớn sang công nghệ cao xử lý vô hạn bài toán nhỏ; phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số.

Ông Hùng nhận định, hiện nay chính là thời điểm để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới. Cơ hội là lớn nhất khi thế giới có những thay đổi lớn, khi một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang diễn ra, với nhiều công nghệ mới xuất hiện. Cơ hội để một quốc gia thay đổi thứ hạng chính là lúc này.

Trong một thế giới đã ổn định thì các cơ hội mới là rất ít, với các nước đang phát triển thì còn ít hơn, cơ hội đi ra nước ngoài còn ít hơn nữa. “100 năm, nhanh thì cũng phải 50 năm mới có thể có một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Nếu không là lúc này thì chúng ta lại phải đợi 50, 100 năm nữa”, ông Hùng ví von.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/viettel-va-fpt-thu-duoc-nhung-gi-khi-mang-chuong-di-danh-xu-nguoi-a2793.html