Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCGL, HoSE: QCG) vừa có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) cùng các đối tác, cổ đông liên quan đến dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn.
Theo đó, QCGL cho biết trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ, doanh nghiệp đang phải đối mặt với vô vàn thách thức để tồn tại và phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều thông tin chưa chính xác ảnh hưởng xấu đến công ty liên quan đến dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn, quận 4, Tp.HCM.
Do đó, công ty lựa chọn lên tiếng đính chính để trấn an cổ đông cũng như đối tác, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Cụ thể, QCGL khẳng định bản thân là bên mua ngay tình và không liên quan đến Tập đoàn Cao su. Năm 2013 QCGL đã đàm phán và ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng và đặt cọc cho CTCP Đầu tư và Thương mại Việt Tín (CTCP Việt Tín) do ông Đặng Phước Dừa - Chủ tịch HĐQT CTCP Việt Tín đại diện ký về việc nhận chuyển nhượng 100% góp vốn Công ty TNHH Phú Việt Tín, chủ đầu tư dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn.
Tổng giá vốn nhận chuyển nhượng 100% vốn góp này do QCGL chi trả theo thỏa thuận kèm hóa đơn, chứng từ là 464.2 tỷ đồng, không phải là 6 tỷ đồng như lời đồn.
Công ty đã thanh toán quyết toán và chuyển trực tiếp đến tài khoản của hai công ty tư nhân trên là CTCP Việt Tín và Công ty TNHH Việt Tín.
“QCGL chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa liên quan đến việc nhận chuyển nhượng vốn góp này”, văn bản nêu rõ.
QCGL cho biết trước khi thực hiện giao dịch này, công ty đã nghiên cứu hồ sơ pháp lý của Công ty Phú Việt Tín cũng như hồ sơ pháp lý dự án đầy đủ và đúng quy định thì mới ký hợp đồng để nhận chuyển nhượng.
Sau khi nhận chuyển nhượng dự án này, QCGL đã lên kế hoạch triển khai dự án, tuy nhiên, HĐQT công ty đưa ra kế hoạch tập trung tài chính vào Phước Kiển (huyện Nhà Bè, Tp.HCM) nên dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn phải chậm lại, không thể đầu tư 2 dự án cùng lúc.
Từ đó, HĐQT QCGL quyết định bán dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn để bớt gánh nặng về tài chính, tránh rủi ro cho công ty và cổ đông.
Nói thêm về việc có đấu giá hay không, theo đại diện QCGL, đây là vấn đề pháp lý của dự án do cơ quan chính quyền và UBND Tp.HCM quyết định theo thời kỳ cách đây 10 năm. Điều đáng nói để mua dự án này, luật sư của QCGL xem xét pháp lý trước khi quyết định nhận chuyển nhượng 100% vốn góp với cơ sở có 2 lần định giá công khai.
Trong quá trình QCGL thẩm định toàn bộ hồ sơ trước khi mua 100% vốn góp công ty chủ đầu tư dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn thì các quyết định và nhiều văn bản tháo gỡ nêu trên của UBND Tp.HCM, các sở liên ngành, Hội đồng thẩm định giá đã thể hiện cho thấy thị trường bất động sản lúc này của hơn 10 năm trước hoàn toàn không như hiện nay.
Quốc Cường Gia Lai cũng nói thêm, việc định giá đất khi nộp tiền sử dụng đất của thời kỳ 10 năm trước có những quy định khác với hiện nay.
Khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, Tp.HCM, có diện tích 6.202 m2, là đất có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước. Đây là khu đất do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý.
Ngày 29/12/2009, Sở Kế hoạch Đầu tư Tp.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH Phú Việt Tín (Phú Việt Tín) có trụ sở tại 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, Tp.HCM. Hai thành viên góp vốn để lập Công ty Phú Việt Tín là Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (sở hữu 72% vốn) và Công ty Cao su Bà Rịa (sở hữu 28% vốn).
Ngày 25/3/2010, UBND Tp.HCM có quyết định thu hồi và giao khu đất trên cho công ty Phú Việt Tín đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch.
Đầu tháng 9/2014, QCGL mua lại toàn bộ vốn góp của Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa tại Phú Việt Tín để sở hữu 99,5% vốn của doanh nghiệp này.
Sau vài tháng, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng 40% vốn tại Phú Việt Tín cho CTCP Bất động sản Thịnh Vượng với giá hơn 340 tỷ đồng. Chuyển nhượng 0,5% vốn tại Phú Việt Tín cho bà Lại Thị Hoàng Yến với giá 3 tỷ đồng. Chuyển nhượng 54% vốn còn lại tại Phú Việt Tín cho CTCP Biệt thự thành phố với giá 459 tỷ đồng.
Ngày 31/3/2017, Công ty TNHH Phú Việt Tín đã ký kết hợp đồng sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phúc Nguyên, trở thành Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên - chủ đầu tư dự án trên khu đất.
Khu đất được đầu tư thành chung cư cao cấp với hàng nghìn căn hộ bán hết cho người sử dụng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do dự án đang bị thanh tra nên các hộ dân mua căn hộ tại dự án vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/quoc-cuong-gia-lai-phu-nhan-lien-quan-voi-tap-doan-cao-su-viet-nam-a27762.html