Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lãi lớn
Năm 2023, dù thị trường bảo hiểm Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng phí tốt so với cùng kỳ.
Tiếp đà tăng trưởng đó, bước sang quý đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, báo lãi trên trăm tỷ đồng.
Cụ thể, CTCP PVI (HoSE: PVI) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2024 đạt 446,4 tỷ đồng, tăng 40,4%; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 372,6 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình của PVI, lợi nhuận quý I tăng do tăng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty phần lớn đến từ bảo hiểm đã tăng 54% so với cùng kỳ năm trước lên gần 6.160 tỷ đồng.
Trong đó, thu phí bảo hiểm gốc tăng 30,5% so với cùng kỳ lên gần 4.217 tỷ đồng và thu phí nhận tái bảo hiểm đều tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ lên 1.662 tỷ đồng. Năm 2024, PVI đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.080 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I/2024, công ty đã thực hiện được 41,3% chỉ tiêu đề ra.
Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) cũng mở đầu 3 tháng năm 2024 với hơn 148 tỷ đồng lãi trước thuế và 106 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 26,4% so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty cũng khởi sắc khi doanh thu phí bảo hiểm tăng 18,9% so với cùng kỳ lên 1.257 tỷ đồng. Trong kỳ, lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính của công ty cũng tăng 49,4% so với quý I/2023 lên 127,7 tỷ đồng. Đây là những yếu tố giúp lợi nhuận của công ty tăng trưởng trong quý I/2024.
Năm 2023, BIC đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 600 tỷ đồng. Kết thúc quý đầu năm 2024, công ty đã đạt được 24,6% chỉ tiêu đề ra.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 9.618 tỷ đồng, giảm hơn 2% so với cùng kỳ.
Dù vậy, trong kỳ, nhờ tiết giảm đáng kể các chi phí phát sinh mà công ty vẫn báo lãi trước thuế gần 742 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 617 tỷ đồng, đồng loạt tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội MIC (HoSE: MIG) kết thúc quý I/2024 với doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 849 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Doanh thu phí bảo hiểm gốc của công ty cũng giảm 17,4% xuống còn 1.274 tỷ đồng.
Trong kỳ, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của MIC đã giảm xuống còn 706 tỷ đồng, nên dù doanh thu đi xuống, công ty vẫn có khoản lãi gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 142 tỷ đồng, tăng nhẹ 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, MIC báo lãi trước thuế của đạt 96 tỷ đồng, tăng 11,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 77 tỷ đồng, tăng 12,14% so với cùng kỳ năm trước. Theo MIC, nguyên nhân chính giúp lợi nhuận sau thuế của công ty tăng là do quý I/2024, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của công ty đạt 81 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận lãi lớn, vẫn có những công ty cho thấy lợi nhuận sụt giảm trong quý I/2024 như Tổng Công ty CP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE - HNX: VNR) và Tổng CTCP Bảo Minh (HoSE: BMI).
Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý I của VINARE giảm 25,3% xuống còn hơn 177 tỷ đồng. Bảo hiểm Bảo Minh ghi nhận mức giảm lợi nhuận trước thuế 91 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ.
Thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức
Đánh giá tổng quan về tình hình thị trường bảo hiểm trong thời gian vừa qua, ông Phan Quốc Tuấn – CEO Viện Phát triển Nguồn nhân lực Bảo hiểm cho rằng, tỉ lệ tăng trưởng của bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2024 chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, đời sống người dân giảm sút nên có phần chậm lại so với những năm trước. Tuy nhiên, bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đang trên đà phát triển ổn định.
Trong khi đó, thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm sút rõ rệt khi tình hình khai thác mới chậm lại trong năm 2023 và tiếp tục giảm trong 3 tháng đầu năm 2024.
Theo ông Tuấn, một trong những nguyên nhân khiến lượng khai thác mới sụt giảm là do các công ty bảo hiểm đang tập trung củng cố lại, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi sẽ có hiệu lực vào 1/7 tới đây rồi mới tiếp tục thực hiện bán sản phẩm.
Đưa ra dự báo về thị trường bảo hiểm trong thời gian tới, ông Tuấn nhận định thị trường bảo hiểm sắp tới sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn.
Đồng thời, Luật các TCTD mới nghiêm cấm các TCTD bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường bảo hiểm.
Dù vậy, theo các chuyên gia dự báo, thị trường bảo hiểm có thể sẽ được khôi phục vào cuối năm 2024, doanh thu của bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2023.
Theo ông Tuấn, bảo hiểm tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. “Nhìn vào tình hình những nước xung quanh, tỉ lệ tham gia bảo hiểm cao hơn rất nhiều so với Việt Nam. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm tại Việt Nam chỉ cao ngang Philippines và còn kém nhiều so với các nước như Indonesia, Malaysia hay Singapore”.
Nhận định về tiềm năng trưởng của ngành Bảo hiểm, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, Ngành Bảo hiểm được Chính phủ quan tâm phát triển.
Theo đó, Chính phủ đặt ra 2 mục tiêu lớn có liên quan đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Đầu tiên, chính phủ đặt mục tiêu 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 (so với năm 2023 chỉ đạt 12%). Thứ hai, tỉ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm (GWM) nhân thọ và phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2025.
Trải qua khó khăn năm 2023, tỉ lệ GWM của Việt Nam đã sụt giảm từ 2,67% trong năm 2022 xuống mức 2,31% vào cuối 2023, như vậy mục tiêu 3,5% trong năm 2025 khả năng cao sẽ không thể hoàn thành. Tuy nhiên việc đề ra mục tiêu trên cho thấy ngành Bảo hiểm là một trong những ngành được Chính phủ quan tâm và tạo điều kiện tăng trưởng.
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 2022, tỉ lệ GWM tại các quốc gia phát triển như Mỹ có thể lên tới 12%. Một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia cũng ghi nhận tỉ lệ này lần lượt là 9,65% và 4,46%. Như vậy cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế, tiềm năng phát triển của ngành Bảo hiểm vẫn còn rất lớn.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/bao-hiem-phi-nhan-tho-noi-dai-da-tang-loi-nhuan-trong-quy-i2024-a27426.html