Quân đội Mỹ đang thu thập phản hồi từ các binh sĩ của mình về việc tích hợp vũ khí laser 50 kilowatt trên xe bọc thép Stryker và các phản hồi cho đến nay vẫn chưa tích cực, trang Defense Post đưa tin hôm 17/5.
Vũ khí laser đã trở thành trụ cột trong chiến lược phòng không tầm ngắn được cải tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ. Với băng đạn gần như vô hạn và độ chính xác vượt trội so với vũ khí động học tiêu chuẩn, tia laser mang đến một phương pháp chi phí thấp để đánh bại hỏa lực từ tên lửa, pháo và súng cối, máy bay không người lái và thậm chí cả máy bay trực thăng đang lao tới.
Nhìn chung, Lầu Năm Góc chi 1 tỷ USD hàng năm để phát triển các năng lực sử dụng năng lượng định hướng, theo báo cáo năm 2023 của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO).
Nhưng theo trang Defense Post, ông Doug Bush, quan chức phụ trách mua sắm vũ khí cho Lục quân Mỹ, gần đây đã nói với Thượng viện nước này rằng những binh sĩ đã thử nghiệm Hệ thống Phòng không Tầm ngắn Di động Năng lượng Định hướng (DE M-SHORAD) đang gặp khó khăn với hệ thống ở các cấp độ công suất khác nhau.
“Đó là khó khăn trong việc tích hợp mức công suất 50 kilowatt vào một phương tiện phải di chuyển liên tục – khả năng tản nhiệt, số lượng thiết bị điện tử, mức độ hao mòn của phương tiện trong môi trường chiến thuật so với một địa điểm cố định”, ông Bush nói.
Vị quan chức chỉ ra thêm rằng kết quả tích cực mà DE M-SHORAD thu được từ phòng thí nghiệm trước đó và các cuộc thử nghiệm bắn đạn thật rất khác so với cách nó hoạt động trong môi trường chiến thuật.
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp di động và tiết kiệm chi phí để diệt các bầy đàn máy bay không người lái (gọi là UAV hoặc drone), Quân đội Mỹ đã thử nghiệm các vũ khí năng lượng cao.
DE M-SHORAD, từ viết tắt của Hệ thống Phòng không Tầm ngắn Di động Năng lượng Định hướng, do Tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia RTX (trước đây là Raytheon) phát triển, là một vũ khí như vậy. Loại vũ khí này đã được lắp đặt lên xe bọc thép Stryker do General Dynamics sản xuất.
Hãng công nghệ Kord Technologies được giao nhiệm vụ làm sao cho hệ thống này phải có khả năng vô hiệu hóa các bầy drone thuộc mọi loại kích cỡ, từ nhỏ đến vừa và lớn, cũng như tên lửa, pháo và súng cối đang lao tới.
Cuộc thử nghiệm bắn đạn thật đầu tiên với DE M-SHORAD được tiến hành vào tháng 8/2021 tại Fort Sill, Oklahoma. Một cuộc thử nghiệm bắn đạn thật khác diễn ra vào tháng 5/2022, trong đó hệ thống này thu thập, theo dõi, nhắm mục tiêu và đánh bại nhiều súng cối tại bãi thử nghiệm tên lửa White Sands ở New Mexico.
Đầu năm nay, Quân đội Mỹ tuyên bố triển khai vũ khí laser gắn trên Stryker tới Trung Đông trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng UAV ngày càng gia tăng do lực lượng Houthi của Yemen thực hiện.
Nhưng theo Phó Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng James Mingus, DE M-SHORAD sẽ chưa trair qua các cuộc thử nghiệm bắn đạn thật khác hoặc giao chiến với máy bay không người lái của kẻ địch, vì nó sẽ được thử thách trong các điều kiện khắc nghiệt hơn trong thế giới thực như bão bụi và các hiện tượng khí quyển khác, vốn có thể khiến bất kỳ loại vũ khí năng lượng định hướng nào về cơ bản trở nên vô dụng.
Minh Đức (Theo Defense Post, Military.com)
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/binh-si-my-khong-hai-long-voi-loai-vu-khi-moi-dung-de-triet-ha-uav-a26364.html