Thủ tướng: KHCN và đổi mới sáng tạo là tài nguyên vô tận, là con đường ngắn nhất để đạt các mục tiêu

(Chinhphu.vn) - Nhấn mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn, đồng thời cũng là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội để phát huy hơn nữa vai trò của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực.

Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam (18/5), kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024), lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 với chủ đề "KHCN và đổi mới sáng tạo – Nâng tầm vị thế quốc gia".

Cùng dự có đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu KHCN, giáo dục và đào tạo, các nhà khoa học…

Bộ KH&CN, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật KHCN được thông qua, quy định ngày 18/5 hằng năm là Ngày KHCN Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, hiện nay, Bộ đang tập trung rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo. Bộ cũng đang tập trung sửa đổi toàn diện Luật KH&CN năm 2013 nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.

Về giải thưởng Tạ Quang Bửu, Ban Tổ chức cho hay qua 10 năm triển khai, Bộ KH&CN đã trao giải thưởng cho 18 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 4 nhà khoa học trẻ.

Năm 2024, giải thưởng tiếp nhận 97 hồ sơ, trong đó có 76 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, 21 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 71 hồ sơ đề cử Giải thưởng chính và 26 hồ sơ đề cử Giải thưởng trẻ. Số lượng hồ sơ đề cử tại kỳ xét tặng giải thưởng năm nay tăng gấp đôi so với mọi năm và đều có chất lượng rất tốt.

Một trong những điểm mới của giải thưởng năm nay là mở rộng việc xem xét, trao giải thưởng cho các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; tiếp nhận hồ sơ theo hình thức đề cử, xem xét, lựa chọn nhà khoa học để trao giải thưởng thông qua việc đánh giá kết quả nghiên cứu cơ bản trong tối đa 3 bài báo khoa học quốc tế được công bố trong thời gian 7 năm.

KHCN phát triển vượt bậc, thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ngày KHCN Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt, cũng là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024) và trao Giải thưởng khoa học mang tên cố giáo sư Tạ Quang Bửu - một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam.

Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của ngành KHCN Việt Nam, cùng tri ân sự nỗ lực cống hiến không mệt mỏi của biết bao thế hệ nhà khoa học, cán bộ quản lý, đóng góp quan trọng, thiết thực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.

Thủ tướng nhắc lại, cách đây 61 năm, ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đến dự Đại hội đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Người căn dặn "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi... Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...".

Lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động KHCN nước nhà trong suốt hơn 60 năm qua. Theo Thủ tướng, những lời của Bác rất giản dị, sâu sắc. Khoa học phải xuất phải từ thực tiễn, quay lại phục vụ thực tiễn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đảng, Nhà nước ta không có mục tiêu nào khác cao hơn là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. KHCN phải hướng đến mục tiêu này.

Thủ tướng nhấn mạnh, với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ngành KHCN nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ nhất, trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, các nhà khoa học và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của chúng ta đã vượt lên hoàn cảnh, mang tinh thần và nhiệt huyết của mình đóng góp quan trọng vào các chiến công, chiến thắng của quân và dân ta như Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...

Thứ hai, bước sang giai đoạn hòa bình, đội ngũ nhà khoa học, cán bộ khoa học và kỹ thuật đã phát huy tinh thần sáng tạo, đóng góp vào các công trình có ý nghĩa quan trọng, thay đổi diện mạo của đất nước (như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Sơn La, Đường dây 500 kV Bắc – Nam, các công trình dầu khí, các công trình cầu, đường, sân bay, bến cảng, khai hoang, cải tạo vùng Đồng Tháp Mười, nghiên cứu y học, vaccine, ghép tạng...).

Thứ ba, cùng với các kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng rõ nét. Có thể khẳng định, lực lượng KHCN Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, chúng ta đã hình thành được hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; về các yếu tố nền tảng, đường lối phát triển cơ bản, các chính sách về kinh tế, văn hóa, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đúc rút được các bài học kinh nghiệm quý báu.

Thứ tư, đội ngũ những người làm khoa học ngày càng lớn mạnh. Nhiều nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hưởng khu vực, quốc tế, mang lại vinh dự, tự hào cho đất nước, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, trong đó có các nhà khoa học xuất sắc đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu. "Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, nhưng hào kiệt về KHCN lúc nào cũng có", Thủ tướng phát biểu.

Thứ năm, xếp hạng quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Trong 10 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng của Việt Nam tăng 30 bậc, từ vị trí 76 lên 46. Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, nhất là trong thế hệ trẻ. Đến nay, Việt Nam đã có 4 "kỳ lân" khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ (MoMo, Sky, Mavis, VNLIFE), xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nền KHCN của đất nước vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là với khoa học xã hội và nhân văn.

Cơ chế, chính sách quản lý KHCN còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động KHCN; chưa có đột phát trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng; trong khi đó cạnh tranh thu hút nhân tài KHCN đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới.

Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thị trường KHCN phát triển còn chậm; chưa xây dựng được sàn giao dịch công nghệ hoạt động hiệu quả; kết nối cung cầu về KHCN, đổi mới sáng tạo còn hạn chế; cơ chế thương mại hoá sản phẩm KHCN còn chưa đột phá để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đội ngũ các nhà khoa học, người làm KHCN còn chưa nhiều, chưa đồng đều; việc đào tạo nhà khoa học và công tác tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN chưa được chú trọng ở cả cấp độ cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý…

Ý nghĩa sống còn đối với quá trình "bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên"

Thủ tướng đánh giá trong thế giới ngày nay, dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, KHCN đã phát triển bùng nổ trên tất cả các lĩnh vực và đang làm thay đổi sâu sắc thế giới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn và với tốc độ nhanh hơn, biến động khó lường.

Các bài học kinh nghiệm thành công trên thế giới, nhất là ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Phần Lan..., cho thấy vai trò to lớn của KHCN đối với sự phát triển và vượt lên của các quốc gia. Mặt khác, những bài học kinh nghiệm thất bại, rơi vào bẫy thu nhập trung bình của nhiều quốc gia trên thế giới cũng cho thấy sự thất bại của chính sách KHCN ở những nơi này.

Xác định rõ những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương "Phát triển và ứng dụng KHCN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp….".

Những kết quả thành công và đóng góp của KHCN như đã nêu trên là minh chứng rõ nét khẳng định: Đây là một chủ trương, đường lối hết sức đúng đắn, phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước trong thời gian qua và còn giá trị trong giai đoạn mới, những năm tới.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Phát triển mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế" và "Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo".

"Có thể nói, KHCN và đổi mới sáng tạo chính là một yếu tố nền tảng của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - hai trong các yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt quan trọng đối với nước ta hiện nay. KHCN và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu.

Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo với vai trò nền tảng phát triển đất nước nhanh, bền vững là yêu cầu khách quan, lựa chọn khôn ngoan và cần có ưu tiên về nguồn lực (thể chế, cơ chế, chính sách, hạ tầng, con người…)", Thủ tướng nói.

Vì vậy, Thủ tướng mong rằng, tinh thần say mê nghiên cứu, dấn thân vì KHCN của các thế hệ đi trước tiếp tục được lan tỏa, phát huy mạnh mẽ, tạo động lực, truyền cảm hứng trong thế hệ trẻ, nhất là đội ngũ nhà khoa học hôm nay và tương lai, trong đó có các nhà khoa học nữ.

"Cho dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ công việc gì, chúng ta tin rằng, những chủ nhân tương lai của đất nước, với tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong trái tim, với sự thông minh, can đảm, ý chí tự lực, tự cường, sự quyết tâm cao độ và nỗ lực vươn lên, cũng sẽ có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển KHCN của đất nước.

Không chỉ những nhà khoa học mới đóng góp cho KHCN, tất cả chúng ta đều có thể góp sức cho sự nghiệp KHCN ở những góc độ khác nhau, công việc, nhiệm vụ khác nhau, nhất là thế hệ trẻ. Chúng ta hãy nỗ lực, cố gắng hơn nữa, để KHCN, đổi mới sáng tạo đồng hành cùng sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, vì tương lai tươi sáng của dân tộc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Đây chính là một yếu tố đặc biệt quan trọng để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm phấn đấu, thực hiện được mục tiêu xây dựng đất nước hiện đại, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc và phát triển bền vững", Thủ tướng phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, trở nên ngày càng khan hiếm, thì KHCN, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất, những con người bình dị nhất, không phân biệt giới tính, màu da, trình độ, tuổi tác, tầng lớp trong xã hội.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 khẳng định, phát triển nguồn nhân lực gắn với KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong 3 đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, có thể khẳng định, đây chính là một động lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; là một yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với quá trình vươn lên "bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên" trong thế giới ngày nay.

Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, cần phát huy hơn nữa vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương, với phương châm "hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, quản trị thông minh", trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20-NQ/TW Trung ương khóa XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, trước mắt tập trung vào 3 nội dung: Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển bao trùm, toàn diện; đầu tư thích đáng về hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học xã hội và nhân văn.

Thứ hai, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh nhân lực KHCN, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực KHCN. Tập trung phát triển mạnh thị trường KHCN để góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho KHCN về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực, trong đó có các chính sách ưu đãi, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng cho người làm công tác KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ KHCN, nhất là nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học đang hoạt động trong điều kiện khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Thứ tư, đối với các doanh nghiệp, cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân...

Thứ năm, có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng (như: Tham gia giảng dạy, nghiên cứu, nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam...) để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với KHCN tiên tiến, hội nhập thế giới.

Thứ sáu, đối với các nhà khoa học, Thủ tướng đề nghị cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các nhà khoa học cần nhận thức trọng trách lớn lao đối với đất nước, dám dấn thân, dám hy sinh, dám chấp nhận rủi ro. Lịch sử đã ghi nhận nhiều tấm gương cống hiến của các nhà khoa học đối với vận mệnh quốc gia.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Đất nước ta, xã hội chúng ta đang rất cần sự dấn thân, vượt qua khó khăn, trở ngại của các nhà khoa học để thực hiện thành công các nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo, góp phần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mang lại niềm vinh dự, tự hào cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, dân tộc và đất nước.

Một đất nước Việt Nam hào hùng với truyền thống lịch sử, văn hoá 4.000 năm - với mỗi con người Việt Nam mang trong mình tinh thần yêu nước nồng nàn, sự kiên trì, bền bỉ, tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, càng áp lực lại càng nỗ lực, càng khó khăn lại càng thông minh - không thể thiếu KHCN, đổi mới sáng tạo trong hành trang, con đường phát triển của mình - dám đương đầu với khó khăn, thử thách và cả dấn thân, hy sinh để dẫn đến thành công. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp".

Với tinh thần đó, chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp 65 năm qua của ngành KHCN, đội ngũ các nhà khoa học sẽ đồng hành cùng cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tinh thần vượt khó, sự say mê, đắm đuối trong nghiên cứu KHCN để có những đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng; nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc.

*Trong khuôn khổ sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã tham quan triển lãm giới thiệu những thành tựu KHCN tiêu biểu trong 65 năm qua và khu vực gian hàng trưng bày các kết quả nghiên cứu, sản phẩm của các lĩnh vực quốc phòng, ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, y tế, khoa học xã hội và nhân văn... thời gian qua.

Nhiều gian hàng gây ấn tượng với các giải pháp ưu việt, điển hình như Kiosk MediPay - giải pháp y tế thông minh do HDBank hợp tác triển khai cùng Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia – Bộ Y tế giúp các bệnh nhân được đăng ký khám chữa bệnh nhanh chóng, thanh toán viện phí 100% không tiền mặt bằng cách tích hợp tài khoản thanh toán viện phí thông minh với tài khoản khám chữa bệnh và căn cước công dân. Chỉ từ 1-2 phút, bệnh nhân hoàn toàn chủ động thực hiện toàn bộ quy trình trên tại các Kiosk MediPay đặt tại các bệnh viện.

Kiosk MediPay được HDBank tài trợ hoàn toàn miễn phí cho các cơ sở y tế nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế theo định hướng của Chính phủ và Bộ Y tế. Mới đây, HDBank đã thử nghiệm thành công và dự kiến trong thời gian tới sẽ đặt các Kiosk tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Hà Văn


Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/thu-tuong-khcn-va-doi-moi-sang-tao-la-tai-nguyen-vo-tan-la-con-duong-ngan-nhat-de-dat-cac-muc-tieu-a26318.html