Tại phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện có gần 1.000 tài sản công cấp tỉnh, huyện sau khi sắp xếp chưa được xử lý, trong đó khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.
Nghịch lý là cũng trong thời gian này, cả nước thiếu hàng ngàn phòng học, nhiều trường đã dột nát, xập xệ nhưng các địa phương chưa đưa ra lộ trình lấp khoảng trống này.
Theo thống kê, tại Hà Tĩnh, giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh sáp nhập và giảm từ 262 xã còn 216 xã. Từ đó có 46 trụ sở xã dôi dư, chưa có phương án sử dụng, nhiều trụ sở vừa được xây, sửa chữa với số tiền hàng tỉ đồng.
Tương tự, Thanh Hóa là địa phương đi đầu cả nước về triển khai sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính. Giai đoạn 2019 - 2021 tỉnh này đã giảm 76 xã, 1.578 thôn, tổ dân phố của 27 huyện, thị xã và thành phố. Tổng số cơ sở nhà đất dôi dư sau khi sáp nhập là 789 cơ sở. Đáng nói, đa phần những tài sản này còn giá trị lớn, giá trị khấu hao còn nhiều, có thể sửa chữa, cải tạo để sử dụng, thậm chí một số địa bàn, công trình còn chưa kịp đưa vào sử dụng.
Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam không sử dụng nhiều năm qua Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Tại một số địa phương khác, tình trạng đất công lãng phí vẫn đang diễn ra trong tình cảnh lớp học còn thiếu phải mượn tạm nhà dân, công trình công cộng làm nơi dạy và học. Nhiều lớp học mang tiếng là bán kiên cố nhưng cũng chỉ tráng nền bằng xi măng, lợp mái tôn, vách ván, hở trước trống sau. Sân chơi của học sinh là mảnh đất trống, còn thiết bị giáo dục thì hầu như thiếu thốn mọi bề.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2022, tại đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 92.900 phòng học (mầm non, phổ thông công lập), trong đó tỉ lệ phòng học kiên cố chỉ đạt khoảng 81,5%. Đặc biệt, ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn hơn 1.270 phòng học nhờ, mượn, tập trung chủ yếu ở cấp học mầm non và tiểu học.
Việc kiên cố hóa trường học có phải quá sức với địa phương?
Quỹ đất ở các địa phương không thiếu. Dễ thấy nhất là nhiều tỉnh có cả hàng vạn mét vuông đất để giao cho doanh nghiệp kinh doanh nhưng không được đầu tư đúng thời hạn. Hàng loạt tỉnh có cả trăm công sở đang bỏ hoang xuống cấp từng ngày. Còn tiền đầu tư xây trường không quá lớn với ngân sách của một tỉnh. Chỉ đấu giá vài công sở ở đô thị là đủ kinh phí xây hàng chục điểm trường ở vùng sâu, vùng xa.
Vấn đề là sự quyết tâm kiên cố hóa trường lớp của chính quyền địa phương. Đơn cử như trường hợp TP Đà Nẵng. Đầu năm 2023, Bộ Quốc phòng bàn giao hơn 7.400 m2 đất mặt tiền đường Nguyễn Tri Phương (quận Hải Châu) cho địa phương quản lý. UBND TP Đà Nẵng có tờ trình HĐND phê duyệt chủ trương xây dựng Trường liên cấp Tiểu học - THCS Hòa Thuận Đông với diện tích hơn 5.200 m2, phần còn lại làm đường giao thông.
Một điểm trường sân đất, vách ván ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam Ảnh: TRÀ THỊ THU
Cùng thời gian này, UBND TP Đà Nẵng cũng đã thống nhất thu hồi 15.716 m2 đất ở số 371 Trần Cao Vân giao cho UBND quận Thanh Khê lên phương án, quy hoạch xây dựng trường học. Trước đây, khu đất này do Công ty CP Nhựa Đà Nẵng quản lý, sử dụng. Hết thời hạn thuê, thành phố ra quyết định thu hồi. Dự án trường học này sẽ thay thế một trường mầm non và một trường THCS đã xuống cấp, hư hỏng.
Cách làm trên của TP Đà Nẵng cho thấy xây trường học không quá khó. Mà có khó đi chăng nữa cũng phải làm, bởi đầu tư cho giáo dục luôn là cách đầu tư sinh lãi nhất.