Báo Mỹ thừa nhận điểm vượt trội của cường kích Nga Su-25

Tạp chí National Interest danh tiếng của Mỹ chỉ ra rằng cường kích Sukhoi Su-25 của Nga nhẹ hơn và nhanh nhẹn hơn cường kích “Lợn lòi” A-10 Thunderbolt II của Mỹ.

Được NATO định danh là “Frogfoot” (Chân ếch), Su-25 là máy bay phản lực 2 động cơ cận âm được nhà sản xuất Sukhoi thiết kế từ thời Liên Xô, được thiết kế đặc biệt cho các nhiệm vụ hỗ trợ tầm gần và tấn công mặt đất, với buồng lái đơn dành cho 1 phi công ở phiên bản gốc.

Khi cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không tăng vọt trong Chiến tranh Lạnh, các kỹ sư Liên Xô đã sản xuất nền tảng máy bay chiến đấu Su-25 Grach.

Lịch sử của Su-25 “Frogfoot”

Việc Liên Xô ưu tiên phát triển các dòng máy bay tiên tiến hơn diễn ra sau nỗ lực của Mỹ trong việc tạo ra máy bay phản lực chống tăng nickname “Warthog” (Lợn lòi). Do Su-7, Su-17, Mig-21 và MiG-23 của Liên Xô thời đó không được thiết kế để hỗ trợ tầm gần cho quân đội nên một dòng máy bay khác cần được chế tạo.

Vào những năm 1960, Không quân Liên Xô đã khởi động một cuộc cạnh tranh nhằm tìm ra dòng máy bay hỗ trợ tầm gần thế hệ tiếp theo của mình. Nguyên mẫu T-8 của hãng Sukhoi cuối cùng đã được chọn, dẫn đến sự ra đời của cường kích Su-25 Grach. Trong thập kỷ tiếp theo, Su-25 bắt đầu chuyến bay đầu tiên sau thời gian thử nghiệm kéo dài nửa thập kỷ.

Nếu so sánh “Chân ếch” và “Lợn lòi” với nhau, thì cường kích của Liên Xô nhẹ và nhanh nhẹn hơn so với dòng máy bay cùng loại của Mỹ, Tạp chí National Interest nhận định. Kể từ chuyến bay đầu tiên năm 1975 cho đến khi chính thức đi vào hoạt động năm 1984, Su-25 đã trải qua một số sửa đổi.

Công nghệ - Báo Mỹ thừa nhận điểm vượt trội của cường kích Nga Su-25

Cường kích Sukhoi Su-25 của Không quân Nga. Ảnh: Bulgarian Military

Công nghệ - Báo Mỹ thừa nhận điểm vượt trội của cường kích Nga Su-25 (Hình 2).

Cường kích Sukhoi Su-25 khai hỏa trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Belarus. Ảnh: National Review

“Frogfoot” có vỏ bọc buồng lái bằng titan và hệ thống phanh nén khí ở đầu cánh. Sukhoi chế tạo mẫu này với nhiều phiên bản: Phiên bản xuất khẩu Su-25K, Phiên bản Su-25UB và Phiên bản xuất khẩu Su-25UBK 2 chỗ, Phiên bản huấn luyện tiên tiến Su-28 và Phiên bản chống tăng Su-39 với hệ thống điều hướng mới và máy đo khoảng cách bằng laser ở mũi.

Đã có hơn 1.000 chiếc được chế tạo với các biến thể của máy bay đang phục vụ trong Không quân Nga, Lực lượng Hàng không của Hải quân Nga, Afghanistan, Angola, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Georgia, Iran, Iraq, Kazakhstan, Macedonia, Peru, Slovakia, Turkmenistan, Ukraine…

Ngày nay, Không quân Nga vận hành khoảng 250 chiếc Su-25 thuộc mọi biến thể. Trong cuộc xung đột với Nga, nay đã kéo dài sang năm thứ 3, phi công Ukraine vẫn đang lái những chiếc Su-25 sẵn có trong khi chờ những chiến đấu cơ F-16 hiện đại hơn được phương Tây chuyển giao.

Thông số kỹ thuật & khả năng

Su-25 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu cố định và di động nhỏ trên mặt đất, đồng thời tấn công các mục tiêu trên không tốc độ thấp ở phía trước và ở độ sâu tác chiến và chiến thuật gần nhất.

Các biến thể của Su-25 đang được nhiều quốc gia khác sử dụng, nổi bật là Không quân Ukraine cũng sử dụng Su-25. Có những đoạn video lan truyền trên Internet cho thấy các phi công Ukraine được nhìn thấy bay thấp đến mức lướt qua ngọn cây để tránh tên lửa đất đối không của Nga.

Nhưng người Ukraine không phải là lực lượng duy nhất sử dụng kỹ thuật bay thấp với Su-25 được ghi lại trong các video trong cuộc xung đột, vì người Nga cũng sử dụng chiến thuật này.

Lý do tại sao cả hai lực lượng quân sự này đều sử dụng loại máy bay bay thấp này là vì cả hai bên đều có vũ khí đất đối không hiệu quả có thể bắn hạ máy bay và trực thăng, đồng thời loại bỏ mối đe dọa mới nổi từ máy bay không người lái (gọi là drone hoặc UAV).

Cường kích Sukhoi Su-25 (Theo Forces.net)

Sải cánh 14,36 m (47 feet 1 inch)
Chiều dài 15,53 m (50 feet 11 inch)
Chiều cao 4,8 m (15 feet 9 inch)
Trọng lượng tịnh 10.740 kg
Trọng lượng cất cánh tối đa 17.600 kg
Tốc độ tối đa 975 km/h (Mach 0,79)
Bán kính chiến đấu 375 km

Công nghệ - Báo Mỹ thừa nhận điểm vượt trội của cường kích Nga Su-25 (Hình 3).

Su-25 có thể bay lên với tốc độ 58 m/s. Bán kính chiến đấu và tầm bay của cường kích này lần lượt là 375 km và 7.500 km. Tầm bay bình thường của Su-25 là 750 km, trong khi trần bay hoạt động của nó là 7.000 m.

Cánh của “Chân ếch” có 10 giá treo để mang nhiều hệ thống vũ khí không đối không và không đối đất tùy theo nhiệm vụ được lựa chọn. Su-25 có khả năng mang theo 4.200 kg bom, hỏa tiễn và tên lửa dẫn đường.

Một số loại tên lửa có thể được trang bị cho Su-25 gồm: Các tên lửa không đối đất như Kh-23 (mã NATO AS-7 Kerry), Kh-25ML (AS-10 Karen) và Kh-29l (AS-14 Kedge); Tên lửa không đối không được mang trên các giá treo nhỏ hơn phía ngoài là R-3S (AA-2D Atoll) và R-60 (AA-8 Aphid)

Su-25 có thể được trang bị các bệ UB-32A cho tên lửa S-5 57 mm, các bệ B-8M1 cho tên lửa S-8 80 mm, tên lửa dẫn đường S-24 240 mm và tên lửa dẫn đường S-25 330 mm. Cường kích Nga cũng có thể được trang bị bom dẫn đường bằng laser nặng 350-670kg, vũ khí gây cháy nặng 500 kg và bom chùm.

Pháo nòng đôi AO-17A 30mm của cường kích được lắp ở mặt dưới thân máy bay về phía cánh trái. Nó được nhồi 250 viên đạn và có khả năng bắn với tốc độ 3.000 viên/phút. Các bệ súng SPPU-22 cũng có thể được lắp đặt trên các giá treo dưới cánh. Các thùng chứa pháo hai nòng GSh-23 23mm, mỗi khẩu có 260 viên đạn.

Minh Đức (Theo National Interest, Skybrary, Forces.net)

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/bao-my-thua-nhan-diem-vuot-troi-cua-cuong-kich-nga-su-25-a25031.html