Bứt tốc trong khủng hoảng

Nằm trong kế hoạch tăng trưởng kinh tế, Ấn Độ đang tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Bứt tốc trong khủng hoảng - Ảnh 1.

Theo báo cáo mới đây của Morgan Stanley, một trong những ngân hàng đầu tư và công ty dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới, GDP danh nghĩa của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng với tốc độ 12,4% vào năm 2025, đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với GDP đạt 5 nghìn tỷ USD vào năm 2027.

Trong khi đó, báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới hồi tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,3% vào năm 2023, tăng 0,2% so với dự báo trước đó. Nếu dự báo này trở thành sự thật, Ấn Độ sẽ là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay.

Nhiều dẫn chứng cho thấy tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chao đảo từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác, nền kinh tế Ấn Độ đã thoát khỏi sự ì ạch và tăng tốc.

Từ đầu năm 2023, Ấn Độ đã “phô trương” tiềm năng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Thuỵ Sĩ. Các đại diện của Ấn Độ xuất hiện tại các con phố chính ở Davos nhiều đến mức một nhà đầu tư từng mô tả con phố này “Ấn Độ thu nhỏ”.

Vài tháng sau, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm 20 (G20) lần đầu được tổ chức tại New Delhi (Ấn Độ) giúp thị trường chứng khoán nước này tăng chóng mặt. Đến tháng 8, Ấn Độ phóng thành công tàu vũ trụ lên Mặt trăng, khẳng định tham vọng về khoa học và công nghệ của nước này.

Nằm trong kế hoạch tăng trưởng kinh tế, Ấn Độ đang tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Họ chi hàng tỷ USD để xây dựng đường sá, bến cảng, sân bay và đường sắt. Chỉ trong ngân sách năm 2023, Ấn Độ đã dành ra 120 tỷ USD cho chi tiêu cơ bản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, là quê hương của nhiều công ty phần mềm lớn trên thế giới, Ấn Độ cũng tích cực số hóa nền kinh tế. Hồi tháng 9, Thủ tướng Modi trích báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết nhờ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, Ấn Độ đã đạt mục tiêu tài chính tổng quát chỉ trong 6 năm, thay vì ít nhất 47 năm.

Các chuyên gia kỳ vọng Ấn Độ sẽ trở thành “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế thế giới trong bối cảnh Trung Quốc, vốn là động lực tăng trưởng toàn cầu trong nhiều thập kỷ, đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Trong vài thập kỷ qua, đã có những giai đoạn toàn cầu lạc quan về tốc độ phát triển kinh tế của Ấn Độ nhưng kỳ vọng giảm dần khi Trung Quốc vẫn tăng tốc về phía trước. Khoảng cách giữa hai nền kinh tế châu Á là rất lớn. Nền kinh tế Ấn Độ hiện trị giá gần 3,5 nghìn tỷ USD, lớn thứ 5 thế giới. Còn nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ hai với trị giá gần 15 nghìn tỷ USD.

Mặc dù IMF duy trì dự báo Ấn Độ tăng trưởng 6,3% vào năm 2024, nước này sẽ đối mặt với hàng loạt trở ngại như lạm phát gia tăng, căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu... Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng sẽ tác động tới tăng trưởng của Ấn Độ.

Đơn cử, đợt nắng nóng và hạn hán vừa qua đã khiến mực nước ở các hồ chứa phía Nam Ấn Độ giảm xuống dưới mức trung bình, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi nông nghiệp và nông thôn.

Về mặt địa chính trị, xung đột Nga – Ukraine hay gần đây nhất là xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đã đẩy giá dầu tăng cao. Trong khi đó, Ấn Độ nhập khẩu hơn 80% lượng dầu mà nước này tiêu thụ nên giá cao sẽ tác động lên thương mại, tài chính, lạm phát và tăng trưởng của nước này.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Ấn Độ có đủ điều kiện để tăng trưởng với tốc độ hàng năm là ít nhất 6% trong vài năm tới. Và nếu muốn vượt qua EU hay Trung Quốc, Ấn Độ cần tiếp tục tăng cường đầu tư, nhất là huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân và nước ngoài.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/but-toc-trong-khung-hoang-a2495.html