Cuộc gọi giả danh Công an
Thời gian gần đây, nhiều người dân trên phạm vi cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng nhận được các cuộc gọi điện thoại giả danh là cán bộ Công an để hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VNeID. Sau khi người dân cung cấp thông tin cá nhân hoặc cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, đối tượng sẽ yêu cầu cấp quyền truy cập điện thoại, thực hiện lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Ngày 29/4/2024, chị Trần Thị Uyên, sinh năm 1993 ở xã Đông Minh, huyện Đông Sơn nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ, tự xưng là cán bộ Công an xã Đông Minh, thông báo chị thiếu thông tin cá nhân trên dữ liệu quốc gia về dân cư và yêu cầu chị gọi lại để cung cấp thông tin cá nhân.
Do trước đó đã được Công an xã Đông Minh nhiều lần tuyên truyền, cảnh báo về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng nên chị Uyên đã cảnh giác không làm theo mà nhanh chóng liên hệ với Công an xã Đông Minh để trình báo sự việc.
Đại úy Lê Thùy Dung, Phó Trưởng Công an xã Đông Minh cho biết, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Công an xã Đông Minh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu để người dân nâng cao cảnh giác. Trong đó, đã phối hợp tuyên truyền hằng ngày trên hệ thống loa truyền thanh của xã, kết hợp với tuyên truyền trên hệ thống Zalo kết nối với các thôn, xóm và phát tờ rơi tại khu dân cư, trường học, chợ. Nhờ đó nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân đã được nâng lên rõ rệt.
Thời gian qua, đã có gần 20 công dân đến trụ sở Công an xã Đông Minh để trình báo về nội dung lừa đảo liên quan đến việc cung cấp thông tin và cài đặt ứng dụng VNeID. Chúng tôi đã tiếp nhận và tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân đây là thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn và yêu cầu của đối tượng.
Cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm
Hiện nay, trên địa bàn cả nước đã có một số vụ việc người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả danh Công an yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để bổ sung vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo. Nếu người dân nhẹ dạ làm theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo, sẽ được gửi đường link yêu cầu cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo hoặc yêu cầu tạo tài khoản, điền một số thông tin cá nhân (họ và tên, số căn cước công dân...) vào đường link do đối tượng cung cấp để bổ sung thông tin dân cư. Sau đó, đối tượng chiếm quyền sử dụng điện thoại di động và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong ứng dụng ngân hàng.
Lực lượng Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn của các loại tội phạm; nêu cao ý thức tự bảo vệ dữ liệu cá nhân; không đăng, đưa lên mạng xã hội căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử VNeID, số điện thoại cá nhân... để không bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài trên các trang web, kho ứng dụng không chính thống, từ các đường link lạ; không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị; người dân không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân cho người khác qua điện thoại.
Lực lượng công an chỉ hỗ trợ kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thu thập, cập nhật thông tin dân cư cho người dân; không yêu cầu công dân tải, cài đặt ứng dụng khác với ứng dụng VNeID hoặc cung cấp tài khoản ngân hàng, mã OTP hoặc mật khẩu cá nhân. Việc đăng ký định danh điện tử mức 2 phải do công dân trực tiếp đến cơ quan công an để thực hiện. Trường hợp nghi vấn về thông tin định danh điện tử, người dân phải liên hệ công an xã, phường trên địa bàn hoặc cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết.