Công ty Cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, UPCoM: MCM) vừa công bố báo cáo tài chính I/2024 với tình hình sản xuất kinh doanh sa sút do ảnh hưởng từ kinh tế khó khăn.
Theo đó, doanh thu thuần trong quý của công ty đạt 625 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Dù giá vốn có ghi nhận sự tiết giảm nhưng lợi nhuận gộp của Mộc Châu Milk vẫn giảm 25% xuống còn 177 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của Mộc Châu Milk cũng ghi nhận sụt giảm 10% xuống còn 30 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, Mộc Châu Milk báo lãi sau thuế 49,9 tỷ đồng, giảm 51% so với quý I/2023. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong 12 quý vừa qua kể từ quý II/2021.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế, Mộc Châu Milk cho biết, doanh thu sụt giảm là do sức mua của người tiêu dùng giảm. Ngoài ra, thu nhập tài chính của công ty giảm do lãi suất tiền gửi giảm.
Năm 2024, Mộc Châu Milk đưa ra kế hoạch thận trọng với lãi sau thuế đạt 332 tỷ đồng, giảm 11%; doanh thu thuần đạt 3.367 tỷ đồng, tăng 7%. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2024, Mộc Châu Milk đã hoàn thành được lần lượt 19% kế hoạch doanh thu và 15% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của công ty đạt 1.605 tỷ đồng, đi ngang so với số đầu năm. Trong đó, công ty đang sở hữu 1.488 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trong danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn.
Tính đến cuối tháng 3/2023, chỉ số hàng tồn kho của Mộc Châu Milk đạt 256 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu kỳ.
Phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Mộc Châu Milk đạt 233 tỷ đồng, giảm 16% so với số đầu năm. Đáng chú ý, Mộc Châu Milk vẫn duy trì không vay nợ tài chính.
Trên thị trường, cổ phiếu MCM có giá 37.900 đồng/cổ phiếu, giảm 1,04% trong phiên ngày 24/4.
Tại một diễn biến khác, theo báo cáo mới công bố của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), sản lượng sữa năm 2024 dự báo khoảng 925 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, các nước đang phát triển chiếm 55%, tăng 2,3% so với cùng kỳ và các nước phát triển chiếm 45%, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Sự tăng lên sản lượng là nhờ năng suất tăng lên ở các vùng Ấn Độ, Nam Mỹ và tăng đàn gia súc ở châu Phi.
Đối với ngành sữa trong nước, TPS cho rằng, Việt Nam chỉ mới đáp ứng 40 - 50% nhu cầu sữa trong nước, dư địa tăng trưởng thị trường sữa trong nước vẫn còn lớn, nhưng ngành sữa trong nước đang chịu cạnh tranh lớn từ sữa nhập khẩu.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/loi-nhuan-quy-i2024-cua-moc-chau-milk-sut-giam-a23094.html