Bức tranh tài chính tại Sudico
CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, MCK: SJS) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với doanh thu thuần đạt 173 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu quý lớn nhất của SJS trong vòng 6 quý qua. Lợi nhuận gộp theo đó cũng tăng 2,8 lần so với cùng kỳ, đạt 72 tỷ đồng.
Kết thúc quý III/2023, Sudico có lãi trước thuế 58 tỷ đồng, tăng 3,6 lần; lãi sau thuế 35 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của SJS đạt 246 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ, do 2 quý đầu kinh doanh kém hiệu quả. Tuy vậy, do cải thiện được giá vốn, lợi nhuận gộp vẫn tăng 24%, đạt 78 tỷ đồng.
Điểm nhấn trong 9 tháng đầu năm 2023 của Sudico là doanh thu tài chính đạt 111 tỷ đồng, tăng 51 lần so với cùng kỳ, do chuyển nhượng cổ phần trong quý II/2023.
Sau 9 tháng năm 2023, SJS đã thu về khoản lãi trước thuế 148 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần; lãi sau thuế 103 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, khoản đem lại “bước nhảy” doanh thu tài chính cho SJS là do việc chuyển nhượng toàn 30% cổ phần của SJS tại CTCP Đầu tư Bất động sản và Thương mại Thăng Long vào ngày 17/5 cho một nhà đầu tư cá nhân với giá chuyển nhượng 160 tỷ đồng.
Tại ngày 1/1/2023, Sudico đang ghi nhận giá trị ghi sổ khi đầu tư vào CTCP Đầu tư Bất động sản và Thương mại Thăng Long là 51,88 tỷ đồng và giá gốc là 110 tỷ đồng.
Như vậy, nhờ khoản lãi 108,7 tỷ đồng từ thương vụ này đã giúp SJS lãi tăng vọt sau 9 tháng năm 2023.
Bóng dáng Amber Holdings trong thương vụ thoái vốn của Sudico
Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Bất động sản và Thương mại Thăng Long được thành lập ngày 27/5/2004, là chủ đầu tư 2 dự án V-Green City và New City Phố Nối (hai phân khu của một dự án tổng thể thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) với diện tích 100 ha.
Theo dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 17/5/2023, Đầu tư Bất động sản và Thương mại Thăng Long đã đăng ký thay đổi người đại diện pháp kiêm Tổng giám đốc từ ông Nguyễn Thế Hùng sang cho ông Hoàng Thế Anh.
Theo tìm hiểu, người đại diện pháp luật mới của Đầu tư Bất động sản và Thương mại Thăng Long- ông Hoàng Thế Anh đang đứng tên tại nhiều doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Amber Holdings.
Trước tiên, ông Hoàng Thế Anh xuất hiện trong danh sách những nhà đầu tư cá nhân tham gia đợt chào bán 21 triệu cổ phiếu riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Nhất Việt (MCK: VFS) vào tháng 9/2019.
Được biết, thực chất Chứng khoán Nhất Việt vốn là thành viên của Amber Holdings, sau khi tập đoàn mua lại từ năm 2017 với mục đích hoàn thiện hệ sinh thái tài chính - bất động sản - năng lượng của mình. Về tay Amber Holdings, Chứng khoán Nhất Việt thay da đổi thịt, cải thiện toàn bộ hoạt động kinh doanh với sự giúp sức của công ty mẹ.
Hiện, Chủ tịch HĐQT Amber Holdings Trần Anh Thắng đồng thời là người đại diện pháp luật, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Chứng khoán Nhất Việt.
Tính đến ngày 18/4/2023, CTCP Amber Capital Holdings – công ty con của Amber Capital – nắm giữ 8,8 triệu cổ phần VFS, tương đương 10,966% vốn điều lệ của công ty chứng khoán này
Ngoài ra, ông Hoàng Thế Anh từng có thời gian làm Thành viên HĐQT CTCP Quản lý Quỹ Amber nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ông hiện cũng đang đứng tên tại một số các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái là CTCP Amber Power, Công ty TNHH Amber Asset Management…
Từ năm 2021, ông Hoàng Thế Anh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Helio Power thay cho ông Trần Anh Thắng trong khi ông Phan Thành Đạt được chọn làm Tổng giám đốc công ty này. Helio Power là doanh nghiệp nằm trong mảng năng lượng tái tạo của Amber Holdings.
Tính đến ngày 22/9/2023, cổ đông lớn nhất của Helio Energy là Helio Power với tỷ lệ 69,31%. Hai cổ đông sáng lập là ông Phan Thành Đạt, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và ông Hoàng Thế Anh nắm lần lượt 2,5% và 0,05%.
Quay trở lại với Đầu tư Bất động sản và Thương mại Thăng Long, chỉ sau gần 1 tháng "đổi chủ" (giữa tháng 6/2023), công ty này đã mang các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và cơ sở hạ tầng trên đất tại công trình công cộng, công trình trường học, công trình thương mại dịch vụ, công trình nhà ở chung cư, công trình nhà ở xã hội, công trình hỗn hợp thuộc dự án Đô thị phía Bắc đường trục trung tâm, KĐT phía Nam quốc lộ 5, thuộc KĐT mới phố Nối của mình đi thế chấp để đảm bảo khoản vay tại Công ty tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance, MCK: EVF).
Điểm đáng lưu ý là EVF và Amber Holdings đã có mối liên hệ mật thiết khi EVF trong suốt nhiều năm đã tài trợ vốn tín dụng cho nhóm Amber Holdings và các pháp nhân có liên quan.
Cụ thể, cuối năm 2017, CTCP Đầu tư Năng lượng Heli (tên cũ là CTCP Helio Power) đã mang toàn bộ nguồn thu tại dự án Nhà máy điện Mặt trời Mũi Né thế chấp tại EVF. Tới đầu năm 2019, EVF tiến hành đầu tư vào CTCP Đầu tư Năng lượng Heli. Khoản đầu tư trị giá 300 tỷ đồng, tương đương 9,09% vốn điều lệ công ty này.
Ngoài ra, tính đến hết quý II/2023, Helio Energy còn ghi nhận 51,7 tỷ đồng vay nợ dài hạn đối với EVF.
Chưa dừng lại ở đó, tính đến cuối tháng 6/2023, CTCP Quản lý quỹ Ambercó 124 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại EVF, đồng thời cũng sở hữu 265 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi do EVN phát hành…
EVF và Amber Holding còn nhiều mối liên hệ sâu sắc hơn thế khi cùng là cổ đông lớn tại Chứng khoán Nhất Việt và ngày 31/8 vừa qua, một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Amber Holdings là Công ty CP Quản lý Quỹ Amber (Amber Capital) tiếp tục mua vào 952.280 cổ phiếu EVF, tương đương 0,271% vốn điều lệ của của EVN Finance.
Đặc biệt, báo cáo giao dịch khi đó hé lộ một chi tiết thú vị, đó là ông Lê Mạnh Linh - Chủ tịch HĐQT Amber Capital cũng là Thành viên HĐQT của EVF, người đang giữ 0,495% lượng cổ phiếu EVF lưu hành.
Sau đó, ngày 12/9, Amber Capital tiếp tục mua vào 897.950 cổ phiếu EVF, nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,527%.
Bên cạnh đó, Công ty CP Đầu tư AFG Đà Nẵng - một doanh nghiệp khác do Amber Capital làm cổ đông sáng lập cũng có liên hệ với EVN Finance. Giữa năm 2019, EVN Finance đã mua lại lô trái phiếu 450 tỷ đồng mà doanh nghiệp này phát hành tại Chứng khoán Nhất Việt….