'Quốc hồn, quốc tuý' của ẩm thực Việt Nam cực đắt khách ở nước ngoài dù kén người ăn, xuất khẩu 9 tháng bỏ túi gần 500 tỷ đồng

Theo báo quốc tế, nguyên liệu truyền thống của Việt Nam sánh ngang với dầu ô liu của vùng Địa Trung Hải và nước tương của Trung Quốc.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, quý III/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 566,3 nghìn tấn, trị giá 2,46 tỷ USD, giảm 1,9% về lượng và giảm 11,8% về trị giá so với quý III/2022, mức giảm thấp nhất trong 3 quý đầu năm 2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 6,6 tỷ USD, giảm 12,1% về lượng và giảm 22,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng 12% về lượng và chỉ còn giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy triển vọng phục hồi của ngành trong các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Trong quý III/2023, xuất khẩu 4 loại thủy sản chủ lực gồm tôm, cá tra, basa và cá ngừ đều có tín hiệu tích hơn với mức giảm thấp nhất từ đầu năm.

'Quốc hồn, quốc tuý' của ẩm thực Việt Nam cực đắt khách ở nước ngoài dù kén người ăn, xuất khẩu 9 tháng bỏ túi gần 500 tỷ đồng - Ảnh 1.

Đáng chú ý, nước mắm đang nổi lên là một mặt hàng xuất khẩu được người mua quốc tế quan tâm. Cụ thể, trong quý III/2023, xuất khẩu nước mắm đạt 5.279 tấn, trị giá 8,4 triệu USD, tăng mạnh 55,6% về lượng và tăng 32,8% về kim ngạch so với quý III/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm, Việt Nam thu về hơn 19,8 triệu USD (hơn 480 tỷ đồng) tương đương 13,7 tấn, tăng 48% về lượng nhưng giảm nhẹ 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài nước mắm, ruốc biển cũng cực kỳ đắt khách ở nước ngoài. Trong quý III/2023, Việt Nam xuất khẩu 4.162 tấn ruốc, tương đương hơn 5 triệu USD, tăng 61% về lượng và 32,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9T/2023, mặt hàng này đem về 10,9 triệu USD cho Việt Nam với 9.285 tấn, tăng 23,6% về lượng và tăng 11,2% về kim ngạch so với 9T/2022.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, sản lượng nước mắm bình quân của Việt Nam trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít. Tính trung bình người Việt Nam ăn nước mắm khoảng 3,9 lít/người/năm.

Mặt hàng này không chỉ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, mở ra cánh cửa quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế, mang lại lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

Theo CNN, nước mắm là một nguyên liệu dân tộc không thể thiếu trên thế giới, sánh ngang với dầu ô liu của vùng Địa Trung Hải và nước tương của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nhiều thị trường trên thế giới rất ưa chuộng các sản phẩm thủy sản sấy khô như ruốc (còn gọi là moi, tép biển). Con ruốc khai thác trong tự nhiên ở các cửa biển luôn có hình dáng bóng, đẹp, sạch, giá trị dinh dưỡng cao vì vậy được nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… ưa chuộng, tiêu thụ mạnh.

Con ruốc muối mặn xuất đi Hàn Quốc 800-1000 tấn/năm; ruốc sấy khô 500 tấn/năm và cá trích 300 tấn/năm đi Đài Loan, Trung Quốc. Ngoài sấy khô, ruốc cũng có thể chế biến thành các loại mắm truyền thống là mắm ruốc, có giá trị kinh tế không kém.

Trong 2 tháng cuối năm 2023, kỳ vọng nhu cầu phục hồi từ thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành thủy sản phục hồi xuất khẩu. Tuy nhiên, việc giá thủy sản vẫn ở mức thấp sẽ khiến trị giá xuất khẩu thủy sản có khả năng chỉ tương đương so với cùng kỳ năm 2022.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/quoc-hon-quoc-tuy-cua-am-thuc-viet-nam-cuc-dat-khach-o-nuoc-ngoai-du-ken-nguoi-an-xuat-khau-9-thang-bo-tui-gan-500-ty-dong-a2016.html