Trong 10 tháng đầu năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hơn 132.000 người
Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 132.645 người, trong đó có 44.669 lao động nữ. Con số này đã giúp đạt hơn 120% kế hoạch năm 2023 của lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Trước đó, trong năm 2023, mục tiêu đặt ra là đưa 110 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo báo Nhân Dân.
Nhật Bản vẫn là thị trường hàng đầu trong tiếp nhận lao động Việt Nam với 67.550 người. Tiếp đó là Đài Loan (Trung Quốc): 50.862 lao động, Hàn Quốc: 5.973 lao động (272 lao động nữ), Trung Quốc: 1.669 lao động và các thị trường khác.
Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10 vừa qua là hơn 21,1 nghìn người.
Trước đó, ngày 30/9, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BLĐTBXH quy định định mức kinh tế-kỹ thuật về đào tạo ngoại ngữ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cụ thể, văn bản ban hành 8 định mức kinh tế-kỹ thuật về đào tạo 4 ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật và tiếng Trung) ở mức độ cơ bản và trong công việc cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 12/10/2023.
Thị trường lao động nào lương cao đang thu hút nhiều người Việt Nam?
Trao đổi với Vietnam+, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chương trình hợp tác lao động Việt Nam, Nhật Bản luôn nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của Chính phủ và nhân dân hai nước. Các nỗ lực triển khai hiệu quả chương trình hợp tác đã mở ra cơ hội cho nhiều lao động Việt Nam có trình độ sang làm việc tại Nhật Bản. Đến nay, Nhật Bản đã mở rộng thêm 9 lĩnh vực ngành nghề cho lao động Việt Nam sang làm việc tư cách lưu trú kỹ năng đặc định.
Thời gian qua, không chỉ triển khai chương trình hợp tác chung giữa hai quốc gia, hợp tác giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Nhật Bản còn mở rộng xuống địa phương. Để bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều tỉnh của nước bạn như Chiba, Saitama, Gunma, Kanagawa, Nagano…
Hiện Việt Nam và Nhật Bản đang phối hợp triển khai Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” nhằm hỗ trợ người lao động Việt Nam tìm việc phù hợp tại nước ngoài theo đúng nhu cầu nguyện vọng; hỗ trợ người lao động sau khi về nước tiếp cận đầy đủ thông tin việc làm trong nước thông qua tuyển dụng từ các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ tiếp cận tốt hơn với lao động có nhu cầu việc làm…
Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các thị trường truyền thống, điểm sáng của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng năm 2023 là việc tăng cường, mở cửa thêm cơ hội việc làm cho lao động tại các nước châu Âu. Điển hình là tại Hungary, số lượng lao động sang làm việc tại thị trường này tăng trong dần theo các năm, trong đó số lượng lao động xuất cảnh năm 2021 là 465 người, năm 2022 là 775 người và đã lên tới 1.148 lao động chỉ trong 9 tháng năm 2023.
Trong khi đó, ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết ngoài các thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan Hàn Quốc, hiện nay Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tập trung hướng đi mới, triển khai phát triển thị trường lao động tại một số nước khu vực châu Âu, trong đó có Hungary và mở thêm các thị trường như: Ba Lan, Slovakia, Croatia...
Một thị trường khác trong khu vực châu Âu cũng đang bắt đầu tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc là Hy Lạp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp về việc thiết lập hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp tạo nguồn lao động để cung ứng đi làm việc tại Hy Lạp trong ngành nông nghiệp.
Theo Bộ LĐTB&XH, cùng với việc mở rộng thị trường, việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được chú trọng. Để đạt được mục tiêu trên, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng phải chủ động hơn trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong đó, cần tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc nước ngoài với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm sao có nguồn lao động, đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của các đối tác nước ngoài.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/10-thang-hon-132000-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-vuot-xa-ke-hoach-nam-2023-a1924.html