Lao đao vì “thổi nồng độ cồn"
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco; HoSE: SAB) vừa kết thúc năm 2023 với tình hình sản xuất kinh doanh lao dốc dù đã tích cực tiết giảm loạt chi phí. Theo Sabeco, doanh thu thuần năm 2023 của doanh nghiệp thấp hơn năm ngoái là do cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Cụ thể, tại quý cuối năm 2023, doanh thu thuần của Sabeco đạt 8.520 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ chi phí, Sabeco báo lãi sau thuế quý IV/2023 đạt 967 đồng, giảm 10% so với cùng kỳ.
Ông chủ thương hiệu Bia Sài Gòn cho biết, kết quả kinh doanh thấp hơn so với quý IV/2022 là do suy thoái kinh tế trong nước, chịu ảnh hưởng bởi những thứ bất ổn kinh tế toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt dẫn đến tiêu thụ thấp hơn.
Lũy kế năm 2023, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần 30.461 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.255 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 13% và 23% so với mức cao kỷ lục đạt được năm 2022. Nếu không tính giai đoạn kinh doanh ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, con số lợi nhuận trên của Sabeco tạo đáy kể từ năm 2016.
Trước đây, Sabeco luôn được biết tới là doanh nghiệp mạnh tay chi tiền cho hoạt động quảng cáo khuyến mãi nhưng trong bối cảnh khó khăn, khoản chi phí này của công ty đã được cắt giảm phần nào so với năm trước. Theo đó, năm 2023, chi phí quảng cáo và khuyến mãi của Sabeco đạt 2.814 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ; tương đương mỗi ngày doanh nghiệp dành ra khoảng 7,7 tỷ đồng cho hoạt động này.
Mặt khác, là doanh nghiệp có nguồn tiền gửi dồi dào, thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng của Sabeco trong năm lên tới 1.390 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Nhờ đó, đẩy doanh thu tài chính của công ty lên mức 1.432 tỷ đồng, tăng 31%.
Năm 2023, Sabeco tham vọng tiếp tục phá kỷ lục với mục tiêu đạt 40.272 tỷ đồng doanh thu và 5.775 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, với kết quả sản xuất kinh doanh như trên, Sabeco đã không hoàn thành mục tiêu đề ra mà mới thực hiện gần 76% kế hoạch doanh thu và 73% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Về đích nhờ tiết giảm mạnh chi phí
Cũng chung tình cảnh, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) cũng ghi nhận sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia, xu hướng tiêu dùng giảm và việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn những tháng cuối năm 2023 đã ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận cả năm của công ty.
Theo đó, tại quý IV/2023, Habeco ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.246 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong kỳ, nhờ tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp công ty vẫn báo lãi sau thuế gần 64 tỷ đồng, tăng 24% so với quý IV/2022.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của Habeco đạt hơn 7.757 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2022. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế cũng giảm hơn 29% so với năm trước, chỉ đạt hơn 355 tỷ đồng.
Tương tự như đối thủ cùng ngành, năm 2023, do tình hình kinh doanh khó khăn, Habeco đã cắt giảm đáng kể khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại chỉ còn gần 580 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước.
Ngoài ra, trong năm 2023, Habeco gia tăng khoản chiết khấu thương mại 13% lên 143 tỷ đồng mặc dù doanh thu giảm. Đây thường là khoản hoa hồng giảm giá cho khách hàng mua với số lượng lớn, nhằm khuyến khích tiêu thụ hàng hóa.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Habeco cho biết, nguyên nhân do doanh thu bán hàng giảm, sự canh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia, xu hướng tiêu dùng của người dân giảm trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều biến động và việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023.
Trong năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu 7.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm, doanh nghiệp vẫn vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đề ra.
Kinh doanh chỉ lỗ
Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico; UPCoM: HNR) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 tiếp chuỗi 27 quý liên tiếp… chỉ lỗ.
Cụ thể, quý IV/2023, Halico ghi nhận doanh thu thuần đạt 32,1 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy nhưng do giá vốn hàng bán giảm so với cùng kỳ năm trước nên lợi nhuận gộp trong kỳ của Halico tăng 14% lên 10 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, công ty không ghi nhận bất cứ chi phí tài chính nào. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng nhẹ, đạt lần lượt 8,5 tỷ đồng và 7,3 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp không đủ trả chi phí dẫn đến sau thuế Halico báo lỗ 4,2 tỷ đồng trong quý IV/2023. Kể từ quý II năm 2017 đến nay, công ty chìm trong chuỗi lỗ dài chưa có hồi kết.
Lũy kế năm 2023, Halico ghi nhận doanh thu thuần đạt 100,8 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc bán các sản phẩm về rượu.
Kết quả, năm 2023, ông chủ thương hiệu Vodka Hà Nội lỗ 9,88 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số lỗ hơn 13 tỷ đồng năm ngoái. Do thua lỗ triền miên nên tính tới ngày 31/12/2023, Halico đã lỗ luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới công bố của Chứng khoán Funan, công ty cho rằng, rủi ro quan trọng của ngành bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.
Đặc biệt, chi tiêu cho rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế, mà còn là xu hướng tất yếu tương lai khi các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần chi tiêu cộng thêm chính sách pháp luật hạn chế người dân tiêu thụ đồ uống có cồn.
Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, nhiều dự báo cũng cho thấy danh mục sản phẩm đồ uống không có cồn sẽ tăng 25% trong khoảng 2022 - 2026 khi các hãng rượu bia buộc phải chuyển hướng kinh doanh.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/doanh-nghiep-nganh-bia-ruou-that-lung-buoc-bung-van-trong-the-kho-a14545.html