Doanh nghiệp ngành gạo “gặt” từng đồng tiền lãi

Giá gạo tăng đẩy doanh thu lên cao song dưới sức ép của giá vốn, chi phí..., doanh nghiệp ngành gạo ghi nhận lãi mỏng, sụt giảm mạnh hoặc thậm chí là lỗ nặng.

Tưởng chừng như trong bối cảnh giá gạo bùng nổ trong năm 2023, doanh nghiệp ngành gạo sẽ thu về một khoản lợi nhuận kếch xù thì thực tế hoàn toàn ngược lại. Dù giá gạo tăng đẩy doanh thu lên cao song dưới sức ép của giá vốn, chi phí và nhiều yếu tố khách quan, lợi nhuận của doanh nghiệp ngành gạo ghi nhận lãi mỏng, sụt giảm mạnh hoặc thậm chí là lỗ nặng.

Doanh thu kỷ lục lợi nhuận vẫn đi lùi

Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) ghi nhận doanh thu thuần trong quý IV/ 2023 đạt 5.819 tỷ đồng, tăng tới 90% so với cùng kỳ năm trước. Dù chi phí giá vốn tăng mạnh nhưng không bằng mức tăng doanh thu nên lãi gộp của Lộc Trời vẫn tăng gấp hơn 2 lần lên 1.522 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ngành gạo này đạt Lộc Trời 247 tỷ đồng, tăng 19% so với quý IV/2022.

Lũy kế cả năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.069 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Đây là kỷ lục doanh thu trong lịch sử kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời. Về cơ cấu doanh thu, Lộc Trời thu về 11.232 tỷ đồng từ bán lương thực - lúa, gạo, tăng 74% so với cùng kỳ. Đây cũng là sản phẩm chính, chiếm phần lớn doanh thu của công ty với 68% cơ cấu.

Tuy nhiên, dù doanh thu tăng mạnh nhưng dưới sự bào mòn của giá vốn và các khoản chi phí nên sau thuế, Lộc Trời báo lãi giảm 35,6% còn hơn 265 tỷ đồng.

Năm 2023, doanh nghiệp của Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2023, Lộc Trời đã không hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra mà chỉ thực hiện khoảng 66% kế hoạch.

Nỗi buồn phía sau con số kỷ lục

Tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An, HNX: TAR), doanh nghiệp ngành gạo này ghi nhận năm 2023 kinh doanh ảm đạm, thậm chí báo lỗ nặng nhất lịch sử kinh doanh.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính mới công bố của Gạo Trung An, quý IV/2023 công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.005 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. 

Ở chiều ngược lại, ngoài chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận giảm thì chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều tăng vọt so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, do phát sinh khoản lỗ chênh lệch tỉ giá mà chi phí tài chính của Gạo Trung An tăng 16% lên 34,7 tỷ đồng. Có thể thấy, lợi nhuận gộp của Trung An không đủ để trả chi phí tài chính trong quý IV/2023 của công ty.

Không chỉ vậy, chi phí bán hàng của công ty còn tăng vọt từ 7,4 tỷ đồng lên 38,4 tỷ đồng; tương đương với tăng 4,6 lần. Nguyên nhân là do phát sinh hoàn chi phí dịch vụ mua ngoài phát sinh mạnh, đạt hơn 28 tỷ đồng. Dưới sự bào mòn của chi phí, sau thuế, Gạo Trung An báo lỗ gần 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi gần 18 tỷ đồng. 

Lũy kế năm 2023, Gạo Trung An ghi nhận doanh thu đạt 4.484 tỷ đồng, tăng 18%. Doanh thu tăng nhưng doanh nghiệp ngành gạo này lại ghi nhận lỗ sau thuế hơn 19 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi hơn 75 tỷ đồng. Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là lần đầu tiên công ty báo lỗ.

Tương tự, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex; HoSE: AGM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 243 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, Angimex lỗ ròng 156 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 199 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 788 tỷ đồng, “bốc hơi" đếm 77% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán hàng lương thực giảm gần 87% xuống còn 333 tỷ đồng; doanh thu bán xe honda, phụ tùng, dịch vụ sửa xe chữa giảm đạt 410 tỷ đồng, giảm 32%.

Có thể thấy, trong bối cảnh ngành gạo ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, lập nhiều con số kỷ lục từ giá cả đến kim ngạch xuất khẩu, Angimex dường như vẫn nằm ngoài vòng xoáy trên. Thậm chí doanh thu không đủ để trả giá vốn lương thực.

Mặt khác, dù đã tích cực cắt giảm chi phí nhưng sau thuế, Angimex vẫn thu về kết quả bết bát với khoản lỗ 208 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ 234 tỷ đồng. 

Năm 2023, doanh nghiệp ngành gạo này lên kế hoạch doanh thu đạt 1.123 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 12 tỷ đồng. Như vậy, kết quả sản xuất kinh doanh trên, Angimex còn cách rất xa mục tiêu đã đề ra.

Lần đầu báo lãi sau hơn một thập kỷ

Sau hơn một thập kỷ kinh doanh ảm đạm, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II; UPCoM: VSF) đã có lãi trở lại, đón nhận tín hiệu phục hồi. Theo đó, quý IV/2023, Vinafood II ghi nhận đạt 4.366 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 33% so với cùng kỳ. 

Quý IV/2023, dù doanh thu tài chính của công ty giảm xuống 53 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính giảm đến 65%, đạt mức 45 tỷ đồng. Tương tự, chi phí bán hàng giảm mạnh từ 398 tỷ còn 184 tỷ đồng, chỉ có chi phí quản lý tăng lên 100 tỷ đồng, gấp 4 lần quý IV/2022.

Kết quả, Vinafood II báo lãi sau thuế 31,1 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ. Kể từ quý III/2022, đây là khoản lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp ngành gạo này.

Lũy kế năm 2023, nhờ khoản lãi đột biến trong quý IV/2023 đã kéo lợi nhuận của Vinafood II lên 62,7 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước. Đây là kỷ lục lợi nhuận của Vinafood II kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, giúp công ty hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm.

Nhiều triển vọng cho “mùa vàng bội thu"

Ngay trong đầu năm 2024, ngành lúa gạo Việt Nam đã liên tiếp đón nhận những tín hiệu lạc quan, mở ra nhiều cơ hội lớn. Theo đó, 7 doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 10/17 gói thầu, cung cấp trên 300.000 tấn gạo cho Indonesia. Thông tin trên được ghi nhận trong bối cảnh phía Indonesia đang có kế hoạch tiếp tục nhập khẩu 2 triệu tấn gạo năm 2024.

Bên cạnh đó, vào đầu tháng 2/2024, Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ bán 1,5 – 2 triệu tấn gạo/năm cho Philippines trong 5 năm. Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2024 với nhu cầu nhập khẩu kỷ lục là 3,8 triệu tấn gạo/năm. Hiện gạo của Việt Nam chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của thị trường nhập gạo của quốc gia này.

Tại một diễn biến khác, Báo cáo "Triển vọng hàng hóa toàn cầu" của World Bank nhận định, giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm trước năm 2025. Theo đó, giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024. Nguyên nhân do mối đe dọa từ El Nino và các chính sách hạn chế xuất khẩu từ các nguồn cung lớn cũng như tăng nhập khẩu từ các nước có nhu cầu cao.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/doanh-nghiep-nganh-gao-gat-tung-dong-tien-lai-a14125.html