Viện nghiên cứu BĐS Việt Nam: Trong khi nhà đầu tư chứng khoán lỗ thì bất động sản trở thành kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận ngắn hạn cao nhất trong 2 năm qua

Dữ liệu mà Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam công bố về lợi suất đầu tư ngắn hạn tại Việt Nam từ 1/1/2022 đến nay, bất động sản tiếp tục là kênh đầu tư mang lại tỷ suất sinh lời cao nhất với con số 14%/năm.

Báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phân tích các kênh đầu tư hấp dẫn để nhà đầu tư có thể lựa chọn trong giai đoạn cuối năm 2023 và bước sang năm 2024.

Đứng sau bất động sản là kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (8,5%)/năm, tiếp đến vàng SSJC (7,36%/năm). Tiền tiết kiệm là kênh đầu tư đứng thứ 4 với lợi suất đầu tư ngắn hạn lên tới 6%/năm. Xếp cuối cùng là cổ phiếu khi tỷ suất lợi nhuận đầu tư ngắn hạn -20,14%.

So sánh hiệu quả đầu tư vào bất động sản so với các kênh đầu tư phổ biến khác như gửi tiết kiệm, chứng khoán, trái phiếu và ngoại tệ, báo cáo của Viện này ghi nhận, mức chiết khấu khá hấp dẫn trong giai đoạn vừa qua của thị trường địa ốc, hiện đã tiệm cận với giá trị thực đã giúp cho bất động sản là kênh đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, khuyến nghị đưa ra rằng, việc lựa chọn kênh đầu tư phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và khả năng tài chính của từng nhà đầu tư. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tại từng thời điểm, các nhà đầu tư cần giữ nguyên tắc phân bổ nguồn vốn của mình vào các kênh khác nhau, không “bỏ trứng vào một giỏ”, để phân tán rủi ro.

“Trong bối cảnh hiện nay, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu…v.v. tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn song với độ rủi ro cao hơn. Về trung và dài hạn, nhà đầu tư nên cân nhắc phân bổ vốn của mình vào những kênh đầu tư theo khẩu vị rủi ro của mình, khả năng tài chính, cũng như kiến thức và kinh nghiệm của mình”, báo cáo nêu rõ.

Báo cáo cũng phân tích rõ ràng về bức trang của thị trường địa ốc. Cụ thể, trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản chững lại do một số khó khăn, vướng mắc mà nổi cộm nhất là vấn đề về pháp lý và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Chính phủ, Bộ, ngành đã nỗ lực hoàn thiện môi trường pháp lý liên quan đến ngành.

Một trở ngại khác đó là việc đang hoàn thiện sửa 3 bộ luật quan trọng nhất, chi phối trực tiếp hoạt động ngành, dự kiến sẽ trình và được Quốc hội thông qua năm 2023; đồng thời thực thi các giải pháp lành mạnh, minh bạch hóa thị trường, quyết liệt xử lý các vụ việc vi phạm trong thời gian qua.

Về tín hiệu tích cực, theo Viện Nghiên cứu thị trường Bất động sản Việt Nam, để hỗ trợ và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng và yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, nhằm đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đó hỗ trợ người mua nhà và các dự án bất động sản đáp ứng đầy đủ điều kiện về pháp lý, có khả năng trả nợ,…

Đây là điều được thực hiện kiên định, quyết liệt, rất tích cực cho thị trường, bởi chi phí vốn giảm và giá bán hấp dẫn hơn do chủ đầu tư tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn. Thứ hai, nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc hơn do với mức lãi suất thấp hơn, chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm, giao dịch bất động sản của khách hàng.

Thứ ba, điều này sẽ tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường bất động sản. Bởi trong thời gian qua, hình thành tâm lý “chờ đợi giá bất động sản giảm tiếp”, làm thanh khoản thị trường giảm sút. Vì vậy, trong bối cảnh lãi suất giảm dần, dự báo tình trạng trên sẽ giảm dần và tâm lý nhà đầu tư sẽ tích cực hơn. Do đó, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi từ Quý 2/2024.

So với đầu năm, lãi suất cho vay hiện đã giảm 1,5-2%, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam, các chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm triển khai thành công nhiều dự án, có năng lực tài chính lành mạnh; các dự án có pháp lý rõ ràng, minh bạch, vị trí đẹp... sẽ có nhiều lợi thế hơn, được các ngân hàng ưu tiên giảm lãi suất và được khách hàng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn.

Đối với các nhà đầu tư, nếu điều kiện tài chính của nhà đầu tư lành mạnh, triển vọng thị trường tích cực, nhà đầu tư có thể xem xét sử dụng tỷ lệ đòn bẩy 60-70% (vốn tự có) và 30-35% (vốn vay) vì hiện nay điều kiện thị trường biến đổi quá nhanh, khó lường, chúng ta sẽ không thể lường trước, đặc biệt trong thời gian dài 10-20 năm nữa.

“Trong bối cảnh hiện tại, đối với lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư có thể xem xét, nên tập trung vào nhu cầu thực như phân khúc chung cư, nhà ở riêng lẻ phục vụ nhu cầu để ở, kinh doanh, cho thuê hoặc để đầu tư dài hạn; nhất là khi giá bất động sản đã được chiết khấu khá hấp dẫn trong giai đoạn vừa qua, hiện đã tiệm cận với giá trị thực”, báo cáo ghi rõ.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/vien-nghien-cuu-bds-viet-nam-trong-khi-nha-dau-tu-chung-khoan-lo-thi-bat-dong-san-tro-thanh-kenh-dau-tu-co-ty-suat-loi-nhuan-ngan-han-cao-nhat-trong-2-nam-qua-a1277.html