Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF (HoSE: BAF) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với bức tranh sản xuất kinh doanh chìm trong gam màu buồn.
Theo đó, quý IV/2023, doanh thu thuần của BAF giảm 25% so với cùng kỳ còn 1.625 tỷ đồng. Dù giá vốn hàng bán tiết giảm nhưng lãi gộp của công ty chỉ đạt 41 tỷ đồng, đi lùi 33% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, các chi phí hoạt động và chi phí lãi vay đều phát sinh mạnh trong quý IV/2022, trong đó, chi phí tài chính tăng 2,2 lần lên 25 tỷ đồng. Điều này khiến sau khi trừ các chi phí, BAF lỗ 30,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 7 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên BAF báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE từ tháng 12/2021.
Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của ông Trương Sỹ Bá đạt 5.250 tỷ đồng, giảm 26% so với đầu kỳ. Xét về cơ cấu doanh thu, mảng bán nông sản đem về 3.939 tỷ đồng, đóng góp 3/4 tổng doanh thu cả năm và giảm 31% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các chi phí, BAF lãi ròng còn 19,95 tỷ đồng, giảm 93% so với năm trước. Kết quả này cũng còn cách rất xa mục tiêu doanh thu hơn 7.525 tỷ và lợi nhuận 301 tỷ cả năm.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, BAF cho biết, giá bán duy trì ở nền thấp từ đầu năm và tạo đáy trong quý IV/2023 trong bối cảnh tiêu thụ thấp; sản lượng heo bán ra chưa tăng tương ứng với quy mô đàn; các trang trại mới đưa vào vận hành cần thời gian cho lứa đầu nên điểm rơi sản lượng đầu ra sẽ bán vào năm 2024 là những nguyên nhân chính khiến kết quả công ty sa sút.
Từ sau tháng 5/2023, công ty đã giữ lại lượng heo cai sữa để nuôi lớn bán thịt thay vì phải bán heo cai sữa sớm như trước đây. Điều này theo BAF là giúp công ty không bán trong giai đoạn thị trường giá thấp và sẽ tối ưu được lợi nhuận khi bán heo thịt. Điều này đồng nghĩa kéo một phần sản lượng 2023 sang 2024.
Cuối năm 2023, tổng tài sản của BAF trên 6.574 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm. Mức tăng đến chủ yếu từ tài sản cố định, hàng tồn kho trong khi các khoản phải thu ngắn hạn giảm. Hàng tồn kho tại cuối kỳ là 1.604 tỷ, tăng 82% so với đầu kỳ, phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Tính đến cuối năm 2023, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty đạt 108 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm. Tuy nhiên, khoản đầu tư tài chính của BAF lại tăng hơn 3 lần lên 315 tỷ đồng. Đây là khoản tiền gửi bằng VND của công ty tại ngân hàng thương mại có kỳ hạn còn lại trên 3 tháng dưới 12 tháng và hưởng tiền lãi theo lãi suất từ 3,25% đến 6,8%/năm.
Lượng tích trữ tiền tiền tăng cao đã đem lại cho BAF khoản tiền lãi lớn, đẩy doanh thu tài chính cả năm 2023 lên 37 tỷ đồng, tăng gấp 4,6 lần so với năm 2022.
Về phần nguồn vốn, tính đến cuối năm 2023, nợ phải trả của công ty đạt 4.667 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Trong đó, vay ngắn hạn phát sinh gấp hơn 2,6 lần, đạt 703 tỷ đồng, bao gồm 4 khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng và 5 khoản vay dài hạn đến hạn trả.
Bên cạnh đó, vay dài hạn của công ty ghi nhận đạt 1.608 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với đầu kỳ. Trong đó, vay dài hạn ngân hàng tăng 44% lên 502 tỷ đồng, trái phiếu thường dài hạn tăng 98% lên 573 tỷ đồng và trái phiếu chuyển đổi đạt 452 tỷ đồng trong khi đầu kỳ không ghi nhận.
Như vậy, tổng vay nợ tài chính của BAF đạt 2.311 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với số đầu kỳ, chiếm 49,5% tổng nguồn vốn.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/lan-dau-bao-lo-baf-tang-no-vay-bang-lan-a12399.html