Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vừa công bố báo cáo tài chính với doanh thu tăng trưởng mạnh trong bối cảnh ngành gạo năm vừa qua tăng trưởng đầy tích cực.
Theo đó, trong quý IV/ 2023, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 5.819 tỷ đồng, tăng tới 90% so với cùng kỳ năm trước. Dù chi phí giá vốn tăng mạnh nhưng không bằng mức tăng doanh thu nên lãi gộp của Lộc Trời vẫn tăng gấp hơn 2 lần lên 1.522 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí của công ty đều phát sinh mạnh so với quý IV/2023. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 57% lên 310,5 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay ghi nhận tăng 77% lên 144 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng đạt 525 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 424 tỷ đồng; cũng tăng đột biến 1,8 lần và 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ngành gạo này đạt Lộc Trời 247 tỷ đồng, tăng 19% so với qúy IV/2022.
Lũy kế cả năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.069 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Đây là kỷ lục doanh thu trong lịch sử kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời. Cụ thể về cơ cấu doanh thu, năm 2023, Lộc Trời thu về 11.232 tỷ đồng từ bán lương thực - lúa, gạo, tăng 74% so với cùng kỳ. Đây cũng là sản phẩm chính, chiếm phần lớn doanh thu của công ty với 68% cơ cấu.
Tuy nhiên, dù doanh thu tăng mạnh nhưng dưới sự bào mòn của giá vốn và các khoản chi phí nên sau thuế, Lộc Trời báo lãi giảm 35,6% còn hơn 265 tỷ đồng.
Năm 2023, doanh nghiệp của Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2023, Lộc Trời đã không hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra mà chỉ thực hiện khoảng 66% kế hoạch.
Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Lộc Trời ở mức 11.710 tỷ đồng, tăng 34% so với số đầu kỳ. Cụ thể các chỉ số, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận giảm 799 tỷ đồng đầu kỳ xuống còn 490 tỷ đồng cuối kỳ; tương đương giảm 38%. Chỉ số hàng tồn kho của Lộc Trời ở mức 1.970 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 7%.
Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 6.565 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần số đầu năm, nguyên nhân do các khoản phải thu ngắn hạn của tất cả các hàng đều phát sinh mạnh.
Ngoài ra, khoản đầu tư tài chính dài hạn của Lộc Trời tính đến cuối tháng 12/2023 đạt 503 tỷ đồng, tăng gấp 125 lần cùng kỳ. Nguyên nhân là do trích lậpthêm khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết là Lộc Trời Quảng ĐÔng và Lộc Nhân, trong khi đầu năm không ghi nhận.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả tính đến cuối năm 2023 ở mức 8.396 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu kỳ, trong đó chiếm đa số là nợ ngắn hạn. Đáng chú ý, nợ ngắn hạn của Lộc Trời ghi nhận tăng mạnh từ 3.747 tỷ đồng đầu kỳ lên 6.226 tỷ đồng vào cuối kỳ; tương đương tăng 66%. Trong đó bao gồm 23 khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng, trong đó có tới 22 khoản vay tín chấp, duy chỉ có khoản vay tại BIDV chi nhánh An Giang có hình thức đảm bảo là tài sản cố định hữu hình trị giá 19,5 tỷ đồng.
Số liệu từ Bộ NN&PTNT, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, đem về giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục trong hơn 30 năm tham gia xuất khẩu gạo.
Năm 2024, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo. Mặc dù dự báo thị trường khó đoán định nhưng theo đánh giá, ngành lúa gạo trong năm 2024 sẽ tiếp tục khả quan.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/doanh-thu-ky-luc-loc-troi-van-khong-the-cham-toi-muc-tieu-loi-nhuan-a12384.html