Khoản tiền nhàn rỗi của Đạm Cà Mau vượt mức 10.000 tỷ đồng

Với gần 70% tài sản là lượng tiền mặt và tiền gửi - đạt 10.526 tỷ đồng, số tiền này đã mang về gần 520 tỷ đồng tiền lãi cho Đạm Cà Mau trong năm 2023.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - HoSE: DCM) công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu 3.565 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ giá vốn. Lợi nhuận gộp giảm mạnh 37% về mức 865 tỷ đồng.

Trong kỳ, Đạm Cà Mau thu về gần 106 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 26,8% so với quý 4/2022 nhờ lãi tiền gửi tăng. Chi phí tài chính cùng chi phí bán hàng giảm nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 194% lên 209 tỷ đồng.

Kết quả, Đạm Cà Mau báo lợi nhuận sau thuế còn 493 tỷ đồng, giảm hơn 53% so với cùng kỳ quý IV/2022. Tuy nhiên, đây là tín hiệu hồi phục đáng kể so với các quý liền trước và là mức lợi nhuận cao nhất theo quý trong năm 2023 của doanh nghiệp này.

Theo giải trình, Đạm Cà Mau cho biết dù sản lượng tiêu thụ tăng, nhưng giá bán phân bón giảm mạnh đã kéo doanh thu đi xuống. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao do bổ sung thêm quỹ khoa học công nghệ trong quý IV/2023.

Tính chung cả năm 2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu 12.602 tỷ đồng, giảm 21% so với mức kỷ lục năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.108 tỷ đồng, giảm 74% so với năm 2022.

Theo kế hoạch cho năm 2023 đã được điều chỉnh vào thời điểm cuối năm, công ty phân bón đưa ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế gần 916 tỷ đồng (kế hoạch ban đầu là 1.383 tỷ đồng). Như vậy, công ty đã vượt 21% kế hoạch lợi nhuận đã điều chỉnh.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt 15.278 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, gần 70% tài sản của công ty là lượng tiền mặt và tiền gửi, đạt 10.526 tỷ đồng - tăng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Số tiền này đã mang về gần 520 tỷ đồng tiền lãi cho doanh nghiệp trong năm qua.

Hàng tồn kho giảm hơn 6% còn 2.137 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng mạnh lên 199 tỷ đồng (đầu năm chỉ hơn 1,4 tỷ đồng). Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh lên 127 tỷ đồng, gấp 4 lần đầu năm.

Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn ghi nhận 4.500 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu năm, với hơn 1.400 tỷ đồng là phải trả người bán ngắn hạn, tăng 36% so với đầu năm. Vay nợ ngắn hạn tăng mạnh từ 2,6 tỷ đồng lên 846 tỷ đồng, là khoản vay với Vietcombank kỳ hạn 2 tháng, lãi suất từ 2,8 - 3,5%.

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu ure đạt 882.000 tấn, NPK 180.000 tấn. Còn về sản lượng kinh doanh, ure ở mức 748.500 tấn, đạm chức năng 110.000 tấn, NPK 180.000 tấn và phân bón tự doanh 248.000 tấn.

Về chỉ tiêu tài chính, tổng doanh thu hợp nhất Đạm Cà Mau đặt mục tiêu 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 841 tỷ và 794,8 tỷ đồng.

Riêng với công ty mẹ, tổng doanh thu 11.081 tỷ đồng, lãi sau thuế 793,6 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 10%. Đạm Cà Mau cũng đặt kế hoạch vốn đầu tư trong năm 2024 là 1.582,5 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu gần 911 tỷ đồng và vốn vay khác 672 tỷ đồng.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/khoan-tien-nhan-roi-cua-dam-ca-mau-vuot-muc-10000-ty-dong-a12217.html