Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (HNX: TTB) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với tình hình tài chính không mấy ổn định.
Cụ thể, trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt hơn 31 tỷ đồng, tương ứng giảm 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ việc bán hàng hoá ghi nhận chiếm phần lớn trong tổng doanh thu với hơn 26 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến doanh thu của Tiến Bộ sụt giảm nghiêm trọng do doanh thu bán thành phẩm nhà chung cư năm nay “rơi” xuống còn 1,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước khoản này đang đem về cho Tập đoàn hơn 104 tỷ đồng.
Theo đó, công ty thu về hơn 3,3 tỷ đồng lợi nhuận gộp, cao gấp 3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên hàng loạt chi phí vẫn neo ở mức cao như chi phí tài chính hơn 1 tỷ đồng, chi phí bán hàng 352 triệu đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 2 tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty bị bào mòn xuống mức âm 211 triệu đồng và lỗ sau thuế của Tiến Bộ ở mức 219 triệu đồng, đây cũng là quý lỗ thứ năm liên tiếp của công ty. So với cùng kỳ đang âm tới hơn 6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, như vậy quý này công ty đã thu hẹp được mức lỗ của mình.
Luỹ kế năm 2023, Tập đoàn Tiến Bộ thu về hơn 113 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 so với doanh thu năm 2022 và lỗ sau thuế của doanh nghiệp tăng lên mức 1,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ sau thuế 2,3 tỷ đồng của năm 2022.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của công ty ghi nhận đạt 1.976 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, tài sản chủ yếu nằm tại tài sản ngắn hạn với hơn 1.212 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 53% tổng tài sản với 1.053 tỷ đồng.
Cuối kỳ, lượng tiền mặt của Tập đoàn bật tăng lên tới 39 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ chỉ có chưa tới 3 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn tăng từ 58 triệu đồng lên hơn 318 triệu đồng.
Đáng chú ý, hàng tồn kho của doanh nghiệp tại cuối quý IV/2023 đạt 156 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Chủ yếu tồn kho ghi nhận hơn 145 tỷ đồng nằm tại khoản mục hàng hoá, hơn 6,6 tỷ đồng nằm tại nguyên - vật liệt và chỉ có gần 4 tỷ đồng là thành phẩm.
Bên cạnh đó, tài sản dở dang dài hạn của công ty ghi nhận nhiều ở khoản mục chi phí xây dựng dở dang, nằm tại các dự án như chung cư Tiến Bộ (121 tỷ đồng), chung cư Green City Bắc Giang (254 tỷ đồng), dự án Đại Từ - Thái Nguyên (6,2 tỷ đồng).
Nợ phải trả của công ty tính đến cuối năm 2023 đạt 925 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm và chiếm gần 47% trong cơ cấu nguồn vốn của công ty. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm xấp xỉ 187 tỷ đồng, tăng 4% so với hồi đầu năm 2023. Chủ nợ lớn nhất của công ty là ngân hàng VP Bank với khoản vay dài hạn hơn 131 tỷ đồng.
Trên thị trường, sau khi chấp thuận đăng ký giao dịch hơn 101,5 triệu cổ phiếu TTB, ngày giao dịch đầu tiên là ngày 19/1 với giá tham chiếu chào sàn 1.800 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu TTB ngay lập tức bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện đình chỉ giao dịch.
Cổ phiếu TTB bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, Tập đoàn Tiến Bộ phải gửi văn bản cho HNX giải trình nguyên nhân, đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị đình chỉ giao dịch.
Trước đó, TTB bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE từ 8/1, ngày giao dịch cuối cùng là ngày 6/7/2023, do hàng loạt vi phạm về công bố thông tin.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/tap-doan-tien-bo-co-quy-lo-thu-5-lien-tiep-a11593.html