Đã có một giai đoạn, hàng loạt doanh nghiệp, từ Adidas AG đến Nike Inc. hay các nhà sản xuất quần áo và giày dép khác, đã quyết định đa dạng chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc. Căng thẳng địa chính trị và chi phí lao động cao là lý do khiến họ dời đi.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp cũng nhận ra việc rời khỏi nơi vốn được mô tả là công xưởng của thế giới này cũng có những thách thức riêng.
Laura Magill, người phụ trách của thương hiệu giày dép Bata Group, nhận định: “Hệ sinh thái hoàn thiện, được xây dựng qua nhiều thập kỷ, ở Trung Quốc không chỉ đảm bảo mức giá cạnh tranh mà còn khẳng định chất lượng ổn định khi sản xuất hàng loạt, điều không dễ tìm ở những nơi khác. Tôi không nghĩ nơi nào khác có thể sản xuất số lượng lớn, chất lượng cao và giá cả tốt như ở Trung Quốc”.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc đồng tình với quan điểm trên khi trao đổi với Bloomberg.
Lin Feng, 50 tuổi, sở hữu các nhà máy may mặc ở Quảng Châu, Trung Quốc, chuyên gia công hàng cho các thương hiệu Mỹ và châu Âu. Khi Trung Quốc đóng cửa vì Covid-19, Feng thử chuyển nhà máy sang nước ngoài, nơi giá nhân công chỉ bằng một nửa so với ở Quảng Châu. Tuy nhiên, Feng sớm nhận ra những điều không thuận lợi và nhanh chóng từ bỏ ý định chuyển hẳn sản xuất khỏi Trung Quốc.
“Bây giờ, chuyển dịch chuỗi sản xuất ra nước ngoài chẳng có lợi ích gì. Khi nhu cầu yếu, chi phí lao động thấp và ưu đãi thuế đều không có mấy ý nghĩa”, Feng nói.
Hội đồng Dệt may Quốc gia Trung Quốc cho biết việc các doanh nghiệp quay lưng với các kế hoạch dịch chuyển nhà máy sang nước ngoài có nguy cơ làm mất đi một phần trong số 1,8 tỷ USD mà các nhà sản xuất nước này đã đầu tư.
Trong khi đó, lợi thế về giá cũng không quá lớn. Ông Kee (người từ chối nêu đầy đủ danh tính) sở hữu chuỗi nhà máy may mặc với trụ sở tại Quảng Đông. Hơn 20 năm qua, ông này có một nhà máy sản xuất quần jean ở Đông Nam Á nhưng tỷ suất lợi nhuận ngày càng mỏng khi mức lương của người lao động tăng lên. Số tiền ông này phải trả cho công nhân bằng 70% chi phí nhân công ở Trung Sơn, Trung Quốc. Trong khi đó, năng suất các nhà máy ở quê nhà của ông này cao hơn 20% cộng với công nhân có tay nghề cao hơn.
Bloomberg nhận định Trung Quốc có những lợi thế quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu mà các quốc gia khác khó lòng cạnh tranh. Rào cản ngôn ngữ và các vấn đề về văn hóa cũng khiến các nhà sản xuất Trung Quốc không quá mặn mà dịch chuyển sản xuất.
Nhiều hoạt động sản xuất đã được chuyển từ Trung Quốc tới Ấn Độ, quốc gia có dân số lớn hơn Trung Quốc. Quốc gia này cũng có rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, để có thể vượt lên, Ấn Độ cần hệ sinh thái sản xuất trên quy mô lớn đuổi kịp với Trung Quốc, điều không dễ thực hiện.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/mot-cach-day-bat-ngo-san-xuat-trong-nganh-may-mac-dang-quay-tro-ve-voi-trung-quoc-a1146.html