'Ruby đỏ' của Việt Nam ngon đến mức người Trung Quốc cũng phải tấm tắc khen: xuất khẩu mỗi năm hàng trăm nghìn tấn, chất lượng tốt nhất thế giới

Có sản lượng lớn nhất thế giới nhưng Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu loại quả này từ Việt Nam.

Trung Quốc là khách hàng lớn của vải thiều Việt Nam

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2023, xuất khẩu rau quả đạt con số cao kỷ lục 667,5 triệu USD; tăng gần 44% so với tháng trước. 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều loại trái cây đều ghi nhận mức tăng trưởng đột biến như sầu riêng, mít,... Trong số đó, vải cũng là một loại trái cây ghi nhận doanh thu lớn từ xuất khẩu trong năm 2023.

Bắc Giang hiện là tỉnh thu hoạch và xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thị trường xuất khẩu chính của vải thiều Bắc Giang là Trung Quốc (chiếm trên 98% tổng sản lượng xuất khẩu), mỗi năm xuất sang thị trường này 80-100.000 tấn; tiếp đó là các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU, Thái Lan, UAE, Qatar và khu vực Đông Nam Á.

Năm 2023, sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước qua hệ thống chợ đầu mối, hệ thống bán buôn, bán lẻ hơn 81,4 nghìn tấn. Tổng sản lượng vải xuất khẩu hơn 94,6 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 91,1 nghìn tấn, Nhật Bản 252 tấn, Úc 70 tấn, Mỹ 32 tấn, các nước Châu Âu 36 tấn, các nước Đông Nam Á 30 tấn.

Doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng trên 6.876 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.658 tỷ đồng (tăng hơn 247 tỷ đồng so với năm 2022); doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.218 tỷ đồng.

'Ruby đỏ' của Việt Nam ngon đến mức người Trung Quốc cũng phải tấm tắc khen: xuất khẩu mỗi năm hàng trăm nghìn tấn, chất lượng tốt nhất thế giới - Ảnh 1.

Chất lượng ngon hàng đầu thế giới

Tại Hội nghị nhãn, vải quốc tế lần thứ 6 năm 2019, Việt Nam đứng thứ 3 về sản lượng trong số 20 quốc gia trồng vải với 380.000 tấn/năm, bỏ xa Thái Lan (48.000 tấn/năm) và chỉ đứng sau Trung Quốc (2,5 triệu tấn/năm), cùng Ấn Độ (677.000 tấn/năm).

Trung Quốc là nước trồng vải lớn nhất thế giới, tuy nhiên, chất lượng quả vải Việt Nam lại được đánh giá là tốt nhất, ngon hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại từ Ấn Độ, Trung Quốc,...

Trang tin Sohu (Trung Quốc) từng thừa nhận rằng, mặc dù Trung Quốc cũng trồng vải nhưng nước này vẫn nhập khẩu số lượng lớn từ Việt Nam do điều kiện nhiệt độ tại Việt Nam phù hợp hơn cả, giúp vải chín nhanh hơn, đồng thời cho chất lượng tốt hơn.

Ông Khương Hội Thông, đại diện của Cty TNHH Nông sản Nông Mỹ Hồng (có trụ sở tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) chia sẻ: Hiện nay, Trung Quốc cũng trồng vải tại tỉnh Quảng Tây và đảo Hải Nam, tuy nhiên sản lượng không lớn và đặc biệt chất lượng kém hơn quả vải ở Bắc Giang rất nhiều.

Đặc biệt đối với quả chính vụ, vải Lục Ngạn khi chính có quả to, phần cành dẻo và nhỏ, vỏ dày dễ bảo quản, cùi dày, hạt nhỏ, ngọt thơm và không hề gắt, màu sắc lại đỏ hồng hấp dẫn người ăn, rất phù hợp với thị hiếu người Trung Quốc.

Trong khi đó vải trồng ở Trung Quốc quả nhỏ, hạt to, màu sắc không đẹp và kém ngọt thơm. Vụ thu hoạch vải của Trung Quốc thường diễn ra rất ngắn, chỉ khoảng 20 ngày và kết thúc sớm vào tháng 5 hàng năm, sớm hơn vụ chính của Việt Nam hơn 1 tháng. Vì vậy, đây là lợi thế rất lớn cho quả vải Việt Nam ở thị trường Trung Quốc, và thực tế tốc độ tiêu thụ vải Việt Nam ở thị trường Trung Quốc đang tăng nhanh chóng, trong đó chủ yếu được đưa vào hệ thống siêu thị với giá bán rất cao.

Vì vậy, dù vải thiều Trung Quốc cũng đã xuất hiện tại thị trường Việt, nhưng quốc gia tỷ dân lại vẫn là nước nhập khẩu hàng đầu mặt hàng vải thiều của Việt Nam (chiếm hơn 90% tổng tỷ lệ vải thiều xuất khẩu).

'Ruby đỏ' của Việt Nam ngon đến mức người Trung Quốc cũng phải tấm tắc khen: xuất khẩu mỗi năm hàng trăm nghìn tấn, chất lượng tốt nhất thế giới - Ảnh 2.

Vải thiều Việt Nam không chỉ phủ khắp ở thị trường các tỉnh phía nam Trung Quốc như Quảng Tây, Quảng Đông, mà đã thâm nhập rất sâu vào các tỉnh và thành phố nội địa khác như Hồ Bắc, Hồ Nam..., thậm chí tận các hệ thống siêu thị xa xôi ở Tân Cương cách biên giới Việt Nam hơn 7.000 km.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản cũng đánh giá rất cao, khen quả vải của Việt Nam đạt chất lượng tốt. Với hương vị ngon, lạ, đặc biệt như quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày... đã đưa vải thiều Việt Nam trở thành quả vải ngon nhất ở thị trường Nhật Bản dù nước này có nhiều nguồn nhập vải thiều từ các nước khác. Nhiều người còn bày tỏ mong muốn sản phẩm này trở thành quà biếu, tặng cho gia đình, người thân.

Theo trang tin Bajiahao (Trung Quốc), hiện nay, "cơn sốt trái cây Đông Nam Á" đang bùng nổ trên bàn ăn của người Trung Quốc. Cho dù đó là sầu riêng, măng cụt, thanh long hay xoài… tất cả đều nằm trong danh sách mong muốn của những người yêu thích trái cây tại đất nước này. Đây là cơ hội lớn cho các loại trái cây của Việt Nam.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/ruby-do-cua-viet-nam-ngon-den-muc-nguoi-trung-quoc-cung-phai-tam-tac-khen-xuat-khau-moi-nam-hang-tram-nghin-tan-chat-luong-tot-nhat-the-gioi-a1104.html