Thiết kế nhà – lưu ý môi trường sinh hoạt và sự an toàn của trẻ em

Theo ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Công Ty Quản lý Dự Án Nhà Của Mình, trẻ em dưới 4 tuổi vấn đề an toàn trong thiết kế luôn phải được chú trọng. Đây là độ tuổi rất tò mò và khám phá. Mọi thiết kế phải đảm bảo không góc sắc cạnh, ổ cắm và dây diện đều được bảo vệ…

Trong chia sẻ mới đây về thiết kế nhà cho trẻ em vừa đảm bảo yếu tố an toàn, vừa thoải mái, ông Nam đã đã chỉ ra những đặc điểm của thiết kế cần lưu ý cho đối tượng khách hàng là trẻ em.

Sự thoải mái

Theo ông Nam, có một thực trạng đáng báo động hiện nay là trẻ em nghiện điện thoại thông minh rất nhiều. Ngày nay, có nhiều trẻ em bắt đầu sử dụng điện thoại di động từ khoảng từ 2 tuổi đến 5 tuổi. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ em dành khoảng 2-3 giờ mỗi ngày sử dụng điện thoại di động và thời gian này đang có dấu hiệu tăng lên.

Điều này đa phần xuất phát từ nhiều người lớn dùng các thiết bị này để dụ trẻ ăn, giữ trẻ ngồi yên một chỗ để làm những việc khác hoặc nghĩ rằng cho trẻ chơi điện thoại là giúp con sớm làm quen với công nghệ thông tin… Thế nhưng sự thật thì các thiết bị công nghệ lại là một “con dao hai lưỡi” và tác hại khá nhiều đến trẻ em.

Thiết kế nhà – lưu ý môi trường sinh hoạt và sự an toàn của trẻ em - Ảnh 1.

Bàn, ghế nâng hạ giúp trẻ ngồi học, đọc sách đúng tư thế. Đồng thời ánh sáng từ cửa sổ giúp trẻ tăng sức đề kháng và phát triển thể chất.

Điều này liên quan đến câu chuyện thiết kế không gian sống cho trẻ em của một người Kiến trúc sư.

“Dưới vai trò một nhà thiết kế, tôi nghĩ rằng việc hình thành những thói quen cho trẻ nhỏ trong giai đoạn đầu đời là cực kỳ quan trọng. Công việc thiết kế cần can thiệp từ giai đoạn chủ nhà chuẩn bị có em bé, mang thai đến giai đoạn trẻ nhỏ được chuyển sang phòng riêng”, ông Nam chia sẻ.

Thiết kế cần làm gì để trẻ không nghiện điện thoại thông minh? Ông Nam đặt câu hỏi và phân tích: Đầu tiên là nếp sống, sinh hoạt của mỗi gia đình. Bản thân người lớn cần điều tiết thời gian sử dụng điện thoại của bản thân trong thời gian ở nhà, tiếp theo xây dựng văn hóa đọc trong gia đình. Bằng việc giáo dục văn hóa đọc từ bé, cho trẻ đi nhà sách làm quen với sách đến thiết kế khu vực học, chơi. Đặc biệt là 1 phòng thư viện thật đẹp và thật nhiều truyện tranh.

Theo đó, quan sát, lắng nghe trẻ và thiết kế ra một không gian có thể đọc truyện cho trẻ từ lúc 1 - 5 tuổi. Để rồi từ đó sẽ trở thành cái nôi của thói quen tự đọc của trẻ sau này. Ở đó, không gian của trẻ phải đặc biệt lưu ý về vấn đề ánh sáng và thông thoáng tự nhiên.

Ông Nam cho rằng, không gian với đầy đủ ánh sáng và thông thoáng tự nhiên sẽ có lợi cho thị giác, tăng sức đề kháng cho trẻ em.

Thiết kế an toàn

Ông Đinh Hoài Nam, tuỳ vào độ tuổi của trẻ em mà có những lưu ý trong thiết kế nhà an toàn cho đối tượng này.

Trẻ dưới 4 tuổi:

An toàn tối ưu: Trẻ nhỏ ở độ tuổi này rất tò mò và khám phá. Vì thế, trong thiết kế phải đảm bảo rằng tất cả các góc sắc cạnh, ổ cắm và dây điện đều được bảo vệ. Sử dụng cửa sổ chống trẻ bật mở để tránh nguy cơ rơi ra ngoài.

Khu vực chơi an toàn: Tạo một khu vực chơi riêng cho trẻ với thảm êm, đồ chơi không gây chấn thương và một số quy tắc an toàn rõ ràng.

Thiết kế nhà – lưu ý môi trường sinh hoạt và sự an toàn của trẻ em - Ảnh 2.

Góc không gian riêng nơi có tủ sách và góc nhỏ ngồi đọc sách bên khung cửa sổ tạo cảm hứng cho trẻ.


Trẻ 4-8 tuổi:

Không gian học tập và sáng tạo: Trẻ ở độ tuổi này phát triển nhu cầu học hỏi. Thiết kế một khu vực học tập với bàn, ghế và đủ ánh sáng để trẻ có thể tập trung vào việc học.

Khu vực ngoài trời (nếu có không gian): Đặc tính của tuổi này là hay chạy nhảy vì vậy nếu có thể hãy tạo một khu vực sân chơi ngoài trời với các trò chơi vận động như xích đu, cầu trượt và bóng rổ để khuyến khích sự vận động và phát triển thể chất.

Trẻ 9 -12 tuổi:

Khu vực riêng tư: Trẻ ở độ tuổi này cần không gian riêng tư và tự do, nhưng bắt đầu thay đổi tính nết. Thiết kế phòng ngủ sao cho trẻ có thể tạo nên không gian cá nhân của mình.

Thiết kế tùy chỉnh: Hãy thảo luận với trẻ về việc thiết kế phòng của trẻ và cho phép trẻ tham gia vào quyết định về màu sắc và trang trí.

Bé trai và bé gái:

Màu sắc và trang trí: Hãy thảo luận với con cái về sở thích cá nhân về màu sắc và trang trí. Người KTS có thể tạo ra không gian đa dạng để thỏa mãn sở thích của cả hai.

Thiết kế nhà – lưu ý môi trường sinh hoạt và sự an toàn của trẻ em - Ảnh 3.

Không gian học tập và ngủ nghỉ dành cho bé trai.

Phân chia không gian: Nếu có nhiều trẻ trong gia đình, hãy xem xét việc phân chia không gian sao cho cả bé trai và bé gái đều có không gian riêng tư và chỗ chơi của mình.

“Trong việc thiết kế cho trẻ nhỏ, tôn trọng sự phát triển và sở thích riêng của từng đứa trẻ là quan trọng. Thay vì tự chúng ta quyết định mọi thứ trong khu vực sinh hoạt của con, có thể hỏi ý các con và cố gắng cân nhắc một vài mong muốn hợp lý. Thiết kế đáp ứng nhu cầu của trẻ sẽ tạo ra một môi trường an toàn, thú vị và phát triển cho con cái và gia đình”, ông Đinh Hoài Nam nhấn mạnh.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/thiet-ke-nha-luu-y-moi-truong-sinh-hoat-va-su-an-toan-cua-tre-em-a1094.html